Công dụng "bất ngờ" đến từ những loại thảo mộc gần gũi
Thời gian gần đây, tại các diễn đàn dành cho phụ nữ xuất hiện nhiều bài viết nói về tác dụng “thần kỳ” của các loại thảo mộc dễ tìm kiếm như lá bàng và rau sam để chữa bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
“Được biết bên trong thân cây bé nhỏ này có chứa rất nhiều dinh dưỡng khá tốt như: Vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, acid folic và cholin. Chỉ với 100g rau sam có chừng 93g nước nên có tác dụng thải độc tốt nhất nhì trong số những loại rau khác có cùng công dụng. Rau sam cũng có khả năng thải trừ bisphenol A -một chất độc, nên giúp cơ thể thanh lọc hiệu quả.
Ngoài ra, trong loại rau này có chứa các chất vi lượng quý như đồng, magie, mangan, kẽm nên có hoạt tính chống các khối u, hữu ích cho người bị các bệnh lý mãn tính, tiếp xúc nhiều với phóng xạ và có chứa các chất hoạt hóa thần kinh như DOPA, dopamin nên có ích cho trí nhớ“, một đoạn trích chỉ ra thành phần và công dụng “kỳ diệu” của rau sam.
Cùng với các công dụng chưa từng biết đến của các loại thảo mộc này, các bài viết còn kèm theo cách hướng dẫn sử dụng chi tiết để các bậc phụ huynh áp dụng tại gia.
Theo đó, bài viết hướng dẫn, rau sam sau khi rửa sạch ngâm với nước muối và nấu trong vòng một tiếng rồi chắt lấy nước. Một phần cho trẻ uống, phần còn lại dùng lau trên người trẻ. Bài viết còn quả quyết sử dụng rau sam trong ba ngày sẽ khỏi bệnh.
Tương tự sử dụng rau diếp cá sẽ chữa bệnh chỉ trong 5-7 ngày. Loại rau này chỉ cần giã nát rồi ngâm trong nước ấm rồi tắm cho trẻ. Cũng có thể xay nát rau rồi chắt nước cho trẻ uống.
Bạc hà cũng là bài thuốc dân gian chữa TCM được truyền miệng và đăng tải trên các trang mạng. Bạc hà được đun sôi, sau đó lấy nước uống. Mỗi ngày uống hai tách thì bệnh sẽ mau hết.
Bên cạnh những loại rau ăn được, một số bài viết còn chia sẻ bài thuốc có sử dụng loại lá bàng. Bài viết này hướng dẫn xay nhỏ lá bàng, cho vào nước, đun sôi cùng muối và để nguội, sau đó cho vào tủ lạnh và cho các bé uống.
Chuyên gia không đồng tình với những "bài thuốc dân gian"
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chưa có cơ sở khoa học cho việc sử dụng lá bàng có thể điều trị bệnh tay chân miệng, khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên nghe theo các biện pháp truyền miệng.
Ông Dũng phân tích tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Vi rút lây lan rất nhanh qua đường miệng, qua các chất tiết mũi miệng, phân hay bọt nước từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Vi rút xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết từ đó phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc. Biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Nguy hiểm hơn khi trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hốt hoảng, nói lảm nhảm, run chân tay, co giật... Khi trẻ có biến chứng, nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.
Đã có không ít trường hợp trẻ mắc bệnh nặng do sử dụng bài thuốc dân gian truyền miệng hoặc đăng tải trên mạng.
Trao đổi với báo Pháp Luật, TP.HCM, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết TCM hiện chưa có thuốc chủng ngừa và đa phần rơi vào trẻ dưới 10 tuổi. Phần lớn bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Những trường hợp nặng thì sẽ lâu hơn.
Theo bà Lan, trẻ bị TCM sốt cao, mệt mỏi. Hơn nữa, miệng của trẻ bị TCM lở loét, đau rát nên ăn uống kém, mau mất sức. Dân gian cho rằng rau sam, rau diếp cá, cây bạc hà có tính thanh nhiệt, giải độc nên khi dùng sẽ tăng sức đề kháng, mau hết bệnh. Tuy nhiên, những loại rau trên chỉ có thể giải quyết các triệu chứng của TCM như mụn nước, thải độc… chứ không thể trị dứt TCM.
Riêng lá bàng không phải là một loại thuốc trong y học cổ truyền vậy nên việc uống lá bàng trong thời gian bị TCM là thiếu an toàn.
BS Đỗ Tân Khoa, Giám đốc BV Y học cổ truyền TP.HCM, không phủ nhận những tác dụng của rau sam trong giân dân nhưng khoa học chưa chứng minh điều đó nên bệnh viện cũng không áp dụng các loại rau này trong quá trình điều trị.
Nếu trẻ có dấu hiệu mắc TCM thì các bậc phụ huynh nên đưa con tới bác sĩ chuyên khoa để được điều trị theo phác đồ. Không nên tin tưởng vào các bài thuốc dân gian khiến bệnh tình của trẻ nặng thêm.
Tôn Vỹ (Tổng hợp)