Xôn xao chà bông cóc tẩm hóa chất gây độc hại

Xôn xao chà bông cóc tẩm hóa chất gây độc hại

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Theo phản ánh, một số thợ chế biến chà bông cóc có thể đã dùng chất tạo màu, chất kích thích tăng trưởng... để đánh lừa người tiêu dùng.

Hiện nay, rất nhiều người vì quá tin vào giá trị dinh dưỡng của chà bông (người miền Bắc thường gọi là ruốc) cóc, có tác dụng chữa bệnh còi xương, tăng chiều cao cho trẻ mà không ngần ngại móc hầu bao để mua loại thực phẩm này. Tuy nhiên, không ít gia đình bị các tay thợ làm cóc qua mặt bằng cách tẩm hóa chất gây hại mà không hề hay biết. Hệ quả là người sử dụng không những không có dấu hiệu tăng cân, mà còn xảy ra ngộ độc, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong.

Xã hội - Xôn xao chà bông cóc tẩm hóa chất gây độc hại

Một cơ sở chế biến chà bông cóc mất vệ sinh tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12

Chà bông làm từ cóc vàng "lên ngôi"

Tại TP.HCM, trên những tuyến đường xe cộ đông nghẹt đến các con hẻm vắng, người dân đều bắt gặp những chiếc xe đạp cà tàng, chiếc honda cũ chở cóc đi bán với những lời rao hết sức "mát" tai. Điều đáng nói là những người bán cóc có thể hành nghề bất kì lúc nào, ở đâu. Bên cạnh đó, "công nghệ" chế biến chà bông cóc của những tay thợ chuyên lẫn không chuyên khiến dư luận không khỏi giật mình.

Theo ghi nhận của phóng viên tại đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), những người đi bán thịt cóc đều tự xưng mình là những "tay thợ" có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Một người bán cóc dạo quảng cáo: Đây là loài cóc ở hai bên bờ sông Hồng, vì chỉ có giống cóc ăn muỗi mòng, cào cào, châu chấu ở đây thì thịt mới vàng, mới... ngon. Nói chung cóc vàng vẫn luôn đắt giá nhất.

Cóc được các đầu mối gom lại từ những người bắt cóc đêm, sau đó các đại lý sẽ gom "hàng" gửi vào Sài Gòn bằng xe vận tải, từ Bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Mỗi chuyến như vậy vận chuyển cũng được khoảng vài tạ. Để lấy lòng tin của khách hàng, những thợ này còn in cả những chiếc card có đầy đủ địa chỉ, số điện thoại để đưa cho khách hàng. Nhưng nếu để ý kĩ thì các cơ sở này thường có địa chỉ rất khó tìm, hay ở những tuyến đường ít người biết đến.

Một tay thợ cóc tên H., quê ở Ninh Bình đang hành nghề trên đường Phan Huy Ích đưa cho chúng tôi xem tấm card có ghi cơ sở chế biến cóc V.N, địa chỉ ở quận Tân Phú. Thấy chúng tôi phàn nàn cơ sở quá xa, nên rất ngại đi, những thợ thịt cóc này thuyết phục: "Anh chị không cần đến đâu. Chỉ cần điện thoại và nói địa chỉ nơi anh chị ở là em sẽ đem cóc tới nhà, làm thịt cho anh chị tận mắt chứng kiến luôn".

Ông Nguyễn Thanh Hải, ngụ tại huyện Dĩ An (Bình Dương) cho biết: "Ngày trước, chúng tôi thường xuyên bắt cóc về làm thịt cho những đứa trẻ bị còi, suy dinh dưỡng ăn. Không biết thực chất công dụng của thịt cóc thế nào nhưng sau khi ăn vào thì quả là trẻ tăng cân, ăn uống ngon lành. Bài thuốc này được truyền từ đời này sang đời khác, người nọ mách người kia, theo kinh nghiệm dân gian là chính. Còn ngày nay, tôi thấy nhiều người bán cóc dạo, rồi chế ra món chà bông cho trẻ ăn. Thực sự, tôi cũng không biết thực hư ra sao. Tôi còn nghe thông tin, các loại chà bông đó có tẩm hóa chất cho màu sắc bắt mắt. Nếu không cẩn thận, sẽ nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhỏ".

Chị Nguyễn Minh Huệ (43 tuổi, quận 8, TP.HCM) chia sẻ: "Nghe nói cóc rất độc, nếu chế biến không cẩn thận, ăn vào có thể bị tử vong như chơi. Do vậy, chúng tôi không bao giờ tin các loại chà bông đó. Hơn nữa, nếu chế biến thành chà bông lại tẩm các hóa chất độc hại thì không biết thế nào mà lường", chị Huệ nói.

Cũng tỏ ra không tin tưởng vào các loại chà bông cóc đang được rao bán, chị Hồ Thị Hoài (32 tuổi, ngụ Đồng Nai) cho hay: "Tôi không tin những thứ thực phẩm không rõ nguồn gốc ấy. Tốt nhất, nếu trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng thì nên đưa tới các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Các bác sĩ sẽ khuyên nên cho trẻ uống loại sữa nào, chế độ ăn uống ra sao".

Bức xúc vì "công nghệ" làm đổi màu, nở thịt

Anh Nguyễn Hùng Cường, ngụ đường Bà Hạt, quận 10 bức xúc: "Khi tôi đặt mua chà bông cóc, người bán còn nhiệt tình mang tận cóc đến nhà làm và cam kết an toàn, hợp vệ sinh. Nhưng khi làm gần xong, họ lén bỏ vào chà bông một thứ bột gì đó. Tôi không rõ là thứ gì nên cũng không dám ăn. Khi tìm hiểu, tôi được biết không chỉ tới tận nhà làm chà bông cho khách hàng, những người kinh doanh thịt cóc còn ra sức rêu rao ăn chà bông cóc sẽ có hiệu quả tức thì, người gầy sẽ nhanh mập. Nhiều người dân nhẹ dạ cả tin đã tung tiền ra mua chà bông cóc về dự trữ. Tuy nhiên, nhiều lần sử dụng, hiệu quả vẫn chẳng thấy đâu".

Chị Thùy Linh ở đường 18 B, khu phố 10, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), cho biết: "Tôi có con trai 7 tuổi, ăn nhiều chất bổ mà vẫn suy dinh dưỡng. Nhiều lần, mẹ tôi điện thoại bảo phải làm chà bông cóc cho con ăn sẽ mập mạp, khỏe mạnh. Vì không có thời gian nên tôi mua chà bông cóc làm sẵn của vợ chồng bà Mai (quê ở Thanh Hóa) về cho con ăn... Tuy nhiên, khi thằng bé ăn xong thì cứ liên tục bị ói. Sợ quá, dù tiếc tiền tôi vẫn phải đem bỏ".

Do có những ý kiến trái chiều về thịt cóc trong thời gian gần đây nên nhiều người đã tỏ ra rất cẩn thận, giám sát từng hành động của người làm thịt cóc. Và không ít chiêu trò làm ăn gian dối đã bị bóc mẽ. Anh Nguyễn Văn Ngọc (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Tôi có đứa con gái 5 tuổi nhưng dáng người gày gò. Cách đây một tuần, có người đàn ông tự giới thiệu tên là T., quê Ninh Bình là thợ làm chà bông cóc đi ngang qua nhà. Vì muốn bồi bổ cho con nên tôi đã gọi anh T. vào làm chà bông cóc. Giá thỏa thuận là 1,2 triệu đồng/10kg cóc sống, khi làm sẽ được khoảng 1kg ruốc cóc.

Vốn là người cẩn thận, tôi đã bỏ thời gian giám sát chặt chẽ mọi công đoạn. Khi bắt đầu bỏ thịt lên rang, anh T. nhờ tôi ra ngoài lấy hộ ít đồ nghề. Tôi vừa quay ra, anh T. đã nhanh tay bỏ vào chảo một loại bột màu nâu. Trong phút chốc, chảo thịt đã ngả ra màu vàng sẫm. Ngạc nhiên, tôi hỏi anh T. là đã bỏ gì vào trong? Nhưng T. cứ một mực cãi là không bỏ gì hết. Thấy vậy, tôi lấy tay bốc một ít thịt lên ngửi thì phát hiện có mùi lạ nên bảo sẽ đưa ra bác sỹ kiểm tra. Nghe thế, anh thợ làm thịt cóc "bỏ luôn của", xách túi, lên xe chuồn mất dạng".

Thịt cóc đã được trộn thuốc tăng trưởng, bột nở?

Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, nhằm tạo lòng tin đối với khách hàng, nhiều người bán cóc dạo đã vào tận nhà chế biến cóc cho gia chủ xem. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến phản ánh, các gia vị mà người bán cóc trộn vào chà bông thường là những chất bột màu trắng, hoặc màu nâu… khiến thịt cóc không còn mùi vị đặc trưng. Chị Hoàng Mai, ngụ đường Nguyễn Văn Quá, quận 2, TP. HCM cho rằng: "Bột mà người bán cóc thường sử dụng là một loại thuốc tăng trưởng, hay bột nở… Vì khi cho các loại bột này vào, thịt sẽ nở ra rất nhiều. Mùi thơm vốn có của thịt cóc sẽ biến thành mùi ngái ngái".

H. Sen - Quyên Triệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.