Một số cô dâu may mắn được gia đình chồng đối xử tốt cho tiền để gửi về gia đình xây nhà cửa, trả nợ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, do bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, không có tình yêu, nhiều phụ nữ bị chà đạp về thân xác, tinh thần đã phải tự tìm đường thoát thân về nước.
Không hạnh phúc trở về Việt Nam
Chúng tôi tìm về một số quận, huyện của TP. Cần Thơ, nơi có nhiều cô dâu lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… Địa điểm chúng tôi đến đầu tiên là Cù Lao Tân Lộc, nơi được người dân gọi với những cái tên quen thuộc "Đảo Đài Loan", "Cù lao đảo tỷ phú", "Cù lao mang nợ"... Bởi hầu hết con gái ở xứ này lớn lên hầu hết đều có xu hướng đi lấy chồng nước ngoài...
Lí giải về điều này, bà Nguyễn Thị Huệ (chủ tịch hội Phụ nữ xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Đầu những năm 1990, ở xứ Cù lao Tân Lộc bắt đầu rộ lên phong trào lấy chồng nước ngoài. Thống kê sơ bộ, Cù lao Tân Lộc là nơi có nhiều phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nhất, với hơn 900 trường hợp, đông nhất so với các địa phương có cô dâu đi lấy chồng nước ngoài. Đã có hàng trăm cô gái khi cất bước sang xứ người thì một đi không trở lại, ăn nên làm ra. Nhưng cũng có nhiều cô vừa mới sang chưa đầy một năm, đã lận đận trong tình duyên, ôm bất hạnh trở về nước".
Nhiều cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài bị ngược đãi phải bỏ về nước (Nguồn: Internet, ảnh mang tính minh họa)
Theo tìm hiểu của PV, thực tế việc cô gái Việt Nam đi lấy chồng nước ngoài thường do phía cha mẹ quyết định theo kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Chính điều này phản ánh phần nào tình trạng phụ nữ lấy chồng ngoại phải sống trong đau khổ, ngậm đắng nuốt cay bên xứ người. Với những cô dâu này, lấy chồng là để báo hiếu, trả công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Điển hình như trường hợp của chị N.T.D (43 tuổi) ngụ tại khu phố Tân Mỹ 1 (phường Tân Lộc, huyện Thốt Nốt). Chị D. lấy chồng Hàn Quốc khi tròn 22 tuổi. Chị được mai mối thông qua công ty môi giới ở TP.Cần Thơ. Ngày đó, chị chỉ biết mặt chồng mình qua một tấm ảnh được photoshop. Do gia đình gặp khó khăn, nợ nần chồng chất, chị quyết định lấy chồng Hàn Quốc để có tiền cho cha mẹ trả nợ.
Chị D. tâm sự: "Ngày diễn ra lễ cưới, tôi mới nhìn thấy chú rể bằng xương bằng thịt. Đám cưới diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, bạn bè, hàng xóm. Sau lễ cưới một tuần, tôi được chồng đưa sang Hàn Quốc lập nghiệp. Tại xứ người, tôi chăm chỉ làm ăn, một phần để chi tiêu gia đình, một phần để gửi về cho cha mẹ ở quê lo cho ba đứa em ăn học. Năm tháng sau, tôi mang thai, gia đình chồng rất vui. Thế nhưng, từ ngày tôi có thai, chồng không được gần gũi nên đã sinh hư, ngang nhiên dẫn về nhà một cô bồ nhí và nói với tôi rằng đó mới là vợ của y. Vì đứa con trong bụng, tôi bỏ qua tất cả, nhẫn nhịn chịu đựng cho đến ngày sinh nở. Song, gia đình chồng thấy tôi mang bầu không đi làm được đã nảy sinh lòng đố kị, ghen ghét nên sai chồng ra tay đánh đập dã man. Tôi không chịu nổi sự sỉ nhục, sợ sẩy thai nên đã bỏ trốn về Việt Nam khi trong người không có một xu dính túi".
Không kém phần bi đát, chị L.T.C (43 tuổi) ngụ tại quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) nhớ lại, ngày chị C. bước lên xe hoa về với chồng ở Hàn Quốc, chị khỏe mạnh, xinh đẹp biết bao. Khi chị được chồng đưa sang Hàn Quốc được gần ba năm thì chị C. bị bệnh vảy nến. Gia đình chồng đã đưa chị C. vào bệnh viện điều trị nhưng không một lời an ủi động viên. Mỗi khi các thành viên trong gia đình chồng vào viện đưa cơm nhìn thấy chị C. đau ốm chỉ bĩu môi rồi ngoảnh mặt đi. Nửa tháng sau, gia đình chồng đã bàn bạc và trả chị về Việt Nam. Giờ đây, tại quê hương, chị C. đã bị liệt nửa người và phải sống độc thân một mình trong một căn nhà lá ọp ẹp gần mé sông. Chị C. nói bâng quơ: "Có lẽ cái giá sính ngoại của tôi bị trả quá đắt rồi".
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, phó chủ tịch hội LHPN quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ (Ảnh Quyên Triệu)
Ngậm ngùi 3-4 đời chồng
Nhiều chị em kết hôn với người nước ngoài không hạnh phúc trở về Việt Nam tuổi đời vẫn còn trẻ. Phần đa số chị em đi thêm bước nữa rất ít người lấy chồng Việt, thay vào đó họ lại tiếp tục tìm người Đài Loan hay Hàn Quốc để làm chồng. Họ quan niệm, một khi cuộc sống không hạnh phúc thì tìm mọi cách để thoát thân và nhanh chóng làm thủ tục ly dị. Sau khi về nước, họ lại thông qua mai mối tiếp tục kết duyên với người khác rồi ly dị, rồi lại lấy chồng. Có người phải đến 3-4 lần lấy chồng Hàn Quốc. Hiện nay, tại phường Tân Lộc đếm trên đầu ngón tay cũng có ít nhất 20 đứa trẻ cha Hàn, cha Đài, mẹ Việt được gửi về bên ngoại nuôi giúp. Còn các bà mẹ sang Hàn Quốc, Đài Loan lấy chồng tiếp.
Chị T.T.M, ngụ tại phường Thới Thuận (huyện Thốt Nốt) không ngần ngại cho biết: "Người chồng hiện tại đang chung sống là người thứ ba. Anh ấy là người gốc địa phương. Hai người chồng trước đều là người Đài Loan. Cả hai lần kết hôn, cuộc sống của tôi không hạnh phúc nên đã ly dị. Lí do không hạnh phúc cũng bắt nguồn từ gia cảnh khó khăn, cha mẹ bảo lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống sung sướng hơn, lại có tiền mua sắm hằng ngày nên tôi gật đầu đồng ý cho xong chuyện. Nào ngờ, khi sang Đài Loan sống, tôi bị chồng đối xử tệ bạc, tức giận là lôi tôi ra chửi rủa, đánh đập cho hả dạ mới thôi. Nửa đêm, tôi lén gia đình chồng tìm đường về nước. Khi về tới Việt Nam, tôi nhờ hội Liên hiệp phụ nữ TP.Cần Thơ tư vấn pháp luật để làm đơn ly dị gửi qua bên Đài Loan. Phải mất một năm sau, tôi mới được gia đình chồng chấp nhận ly hôn. Giờ đây, về Việt Nam lấy chồng, cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng được cái hai vợ chồng ít khi cãi vã, lại gần cha mẹ".
Bà Huỳnh Thanh Thảo (phó chủ tịch hội LHPN TP. Cần Thơ) chia sẻ: "Con số đăng kí kết hôn thực tế với người nước ngoài chiếm tỉ lệ khá thấp. Điều này cho chúng ta thấy rõ tình trạng hôn nhân bất hợp pháp vẫn đang tồn tại. Xem ra, con đường dẫn đến đăng kí kết hôn với người nước ngoài vẫn còn xa lạ đối với với bà con nghèo ở các làng quê vùng sông nước".
"Chứng kiến cảnh các cô dâu Việt xuất ngoại bị hành hạ dã man, thậm chí dẫn đến những cái chết đau lòng, chúng tôi không khỏi xót xa cho các bậc làm cha làm mẹ. Có gia đình quanh năm suốt tháng mò mẫm bên ruộng đồng, thu nhập chẳng bao nhiêu, cứ nghĩ cho con lấy chồng nước ngoài được vài chục triệu đồng là may mắn, sung sướng, nên dù cơ quan chức năng cố gắng giải thích nhưng hầu hết họ đều bỏ ngoài tai. Đến khi con gái bị ngược đãi thậm tệ nơi xứ người, sống trong tủi nhục thì mới hối hận thì đã muộn", bà Nguyễn Thị Mỹ Châu (Phó chủ tịch hội LHPN quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) chia sẻ. |
Quyên Triệu