Xót lòng cảnh xóm chài 'trói' con để mưu sinh

Xót lòng cảnh xóm chài 'trói' con để mưu sinh

Thứ 6, 06/09/2013 18:13

Trên dòng nước mênh mông của sông Đồng Nai đang "cưu mang" hàng trăm mảnh đời nghèo khổ, nhưng để có thể kiếm được bữa ăn, có những bậc cha mẹ phải "trói" con trên thuyền...

Xóm "buộc, trói" con

Làng vạn chài Thái Hòa nằm trên một nhánh sông Đồng Nai, thuộc khu phố Thái Hòa (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Gia tài của mỗi một gia đình không gì khác ngoài một chiếc bè lớn để ăn ngủ và một chiếc thuyền nhỏ để đánh cá. Trong căn nhà nhỏ của gia đình, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1985) tâm sự: "Bao nhiêu năm nay, vợ chồng tôi gắn với nghề sông nước. Vào những tháng con nước trong (khoảng từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau), vợ chồng tôi thường lặn sông dùng chĩa đinh ba bắt tôm, còn mùa nước đục thì đi cào lưới cá. Vợ chồng tôi có con nhỏ nên không thể đi ban ngày. Ban đêm chúng ngủ, hai vợ chồng âm thầm đi làm, đến sáng sớm được bao nhiêu tôm cá lại bán vội cho thương lái, cốt sao để có tiền lo được cho cả sáu miệng ăn".

Xã hội - Xót lòng cảnh xóm chài 'trói' con để mưu sinh

Những đứa bé được "trang bị" khi mẹ vắng nhà

Nghề ăn trên sông nước, người vạn chài lo nhất là con gặp "hà bá". Gần như năm nào, "thủy thần" cũng cướp đi sinh mạng của một vài đứa trẻ xóm chài. Có bé mới ba tuổi rơi xuống sông, trôi mất xác khi cả nhà đang ăn cơm, trò chuyện. Nhiều người nhìn thấy con mình ngã xuống nước, lao theo để vớt con, nhưng vẫn không kịp cứu con.  Và để đảm bảo an toàn cho các cháu nhỏ, cha mẹ chúng đã có những biện pháp khá độc đáo để cách ly con mình với "thủy thần" như mặc áo phao hoặc cột phao, túi hơi, can nhựa vào người trẻ, hoặc phòng ngừa rủi ro bằng cách "trói, xích" con nhỏ vào mạn thuyền, bàn ghế trong nhà bè...

Chị Tuyết Mai ngậm ngùi cho biết: "Làm đêm, con ngủ say, mình yên tâm nhất. Còn nếu làm ban ngày thì tôi phải lấy dây dù quấn quanh bụng con, hoặc luồn dây vào hai ống tay áo qua vai và sau gáy, rồi buộc vào cột trên bè. Những lúc vợ chồng đi ghe cào cá, tôi luôn có một sợi dây ở giữa ghe để buộc con vào cho yên tâm hơn, chứ tầm tuổi này, chúng rất thích nghịch nước, chỉ bất cẩn một chút là sẽ hối hận cả đời. Lúc đầu bị cột như thế, chúng khóc la dữ lắm, nhưng riết rồi cũng quen. Nhiều khi nghĩ cũng tội nghiệp con, vì không được tự do thoải mái khi chơi đùa, nhưng để đảm bảo an toàn cho chúng thì không còn cách nào khác. Mấy đứa con của tôi, đứa nào vừa biết lật, biết bò là tôi đều phải buộc vào cột nhà thuyền cho chắc ăn".

Xã hội - Xót lòng cảnh xóm chài 'trói' con để mưu sinh (Hình 2).

Ngôi nhà của chị Tuyết Mai

Ký ức buồn của dân vạn chài

Dù đã "trói" con rất cẩn thận nhưng những cái chết thương tâm vẫn xảy ra. Người ở  làng vạn chài này ai cũng nhớ trường hợp đứa con hai tuổi của gia đình chị Nguyễn Thị Nga (31 tuổi) bị rơi xuống sông cách đây ba năm. Chị Nga vẫn còn nguyên nét bàng hoàng, đau xót chia sẻ: "Lúc đó, cháu chỉ mới lẫm chẫm biết đi. Tôi nghĩ, cháu không thể trèo ra được phía ngoài mạn thuyền. Tôi vừa tắm cho cháu xong, vào phòng lấy quần áo cho cháu, khi quay trở ra thì cũng là lúc cháu chạy ra phía mép ngoài mạn thuyền rồi bất ngờ rơi xuống nước. Vừa la lớn cầu cứu, tôi vừa lao ngay xuống sông. Nhưng khi cùng với mấy người hàng xóm vớt được lên thì cháu đã chết vì ngạt nước, cả đời tôi ân hận vì điều đó". 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Nga nhớ lại một trường bất cẩn khác mới xảy ra chưa lâu ở làng vạn chài này: "Hôm ấy, chị G. đang nằm trông đứa con nhỏ vừa biết bò, một lúc sau thấy mỏi, chị đã dặn đứa con gái trông em, nhưng rồi sau đó, con gái chị cũng ngủ thiếp đi. Đến khi chị giật mình tỉnh dậy thì đã chẳng thấy con đâu, cuống cuồng cùng mọi người bơi lặn tìm con, mấy tiếng sau mới phát hiện được thi thể của cháu bị trôi một đoạn khá xa". Đứa con trai thứ hai của chị Nga hơn hai tuổi, cháu rất hiếu động và nhanh nhẹn khiến vợ chồng chị luôn phải để mắt đến con hơn.

Xã hội - Xót lòng cảnh xóm chài 'trói' con để mưu sinh (Hình 3).

Mênh mông sông nước làng chài

 Từ căn nhà sát mé sông, nhìn ra làng vạn chài mênh mông sóng nước, ông Nguyễn Văn Long (65 tuổi, cha ruột của chị Nga), chia sẻ: "Nhà nổi giữa sông nước sâu nên chỉ cần sơ sẩy là trẻ bị rơi xuống nước. Những năm qua đã xảy ra rất nhiều vụ chết đuối của trẻ ở khúc sông này". Nhìn hình ảnh lũ trẻ xóm chài, đứa nào cũng lếch thếch cái can nhựa, túi khí, phao, tưởng rằng chúng sẽ khó chịu, nhưng có lẽ do đã thành thói quen nên chúng cũng gần như thích nghi với việc "bất thường" này. Đứa con trai của chị Nga dù còn chưa nói sõi nhưng cháu có thể tự buộc chiếc phao nhỏ vào áo một cách rất thành thục, sau đó cháu lại nô đùa, chạy nhảy...  

Với lũ trẻ, đến trường mẫu giáo chỉ là... giấc mơ

Cái nghề sông nước cứ thế truyền từ đời này qua đời khác, tuy nhiên, mai này khi nguồn cá tôm cạn kiệt, việc đánh bắt đương nhiên sẽ khó khăn hơn. Cuộc sống của các gia đình làng vạn chài sẽ không đảm bảo được, lúc đó các cháu nhỏ lại phải bươn chải lên bờ bán vé số, nhặt ve chai, hay đi làm công nhân... Người dân ở đây chỉ nghĩ được có thế, còn chuyện một lần được đến trường chỉ là giấc mơ của lũ trẻ. Chia tay làng vạn chài, hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ đùa giỡn với sông nước vẫn mãi ám ảnh tôi. Dòng sông vẫn dịu dàng chạy về phía biển, còn tương lai bọn trẻ sẽ về đâu trong cuộc đời này?

TÔ HƯƠNG SEN

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.