Xót lòng quê nghèo sau bão dữ!

Xót lòng quê nghèo sau bão dữ!

Thứ 7, 19/10/2013 06:55

Đi dọc các tỉnh phía Bắc của "khúc ruột" miền Trung và chứng kiến tận mắt những vùng quê nghèo tan hoang, trắng tay sau các cơn siêu bão, tôi tự hỏi: Tết này lại thêm bao nhiêu ngôi nhà hoang lạnh khói nhang ông bà tiên tổ?...

Dọc Quốc lộ1A này, chỉ đôi ba tuần nữa thôi, bao nhiêu người dân quê khô gầy ôm chiếc túi vải xác xơ nhảy xe đò thiên di về phương Nam, mưu sinh với nhọc nhằn nơi hè phố, lề đường?

Lũ quét, lốc xoáy quần phá tan hoang

Ngày 16/10, phóng viên đã có mặt tại những vùng dân cư mà chỉ sau một đêm, người dân bỗng lâm cảnh trắng tay do lốc và lũ càn quét. Dẫu biết, Quảng Bình và cả miền Trung đất nước, bão lũ xảy ra hàng năm không hề là chuyện lạ. Cũng dẫu biết, việc sống chung với bão lũ của người dân xứ này từ lâu đã thành một nghiệp dĩ kiếp đời. Nhưng cứ thấy những cảnh tượng tan hoang, nhìn những khuôn hình đã ghi lại được, vẫn thấy sao thắt quặn ruột gan... Thống kê của Sở Chỉ huy tiền phương Phòng chống bão số 11, đến chiều ngày 15/10, các tỉnh miền Trung đã có 5 người tử vong (Huế, Quảng Nam), 2 người mất tích, 11 người bị thương.

Miền trung - Xót lòng quê nghèo sau bão dữ!

Nhiều vùng dân cư tại huyện Quảng Trạch ngập sâu trong nước.

Tại huyện Quảng Trạch, rạng sáng 16/10, khi người dân các xã Quảng Sơn, Quảng Minh, Quảng Thủy và Quảng Văn đang chìm trong giấc ngủ say sau một ngày mệt nhọc chống chọi với mưa lớn, gió mạnh thì một trận lốc xoáy kinh hoàng bất ngờ ập đến. "Cả 3 đứa con và vợ chồng tui bỗng bật dậy vì mảng tường bên trái nhà sập cái rầm! Trên trời ầm ầm như có hàng trăm chiếc máy bay chiến đấu quần thảo, dội bom xuống... Muốn chạy đi nhưng ra ngoài thì chỉ có chết, cả nhà phải chui xuống gầm bàn ngồi bấm tay lạy trời..." - anh Lê Văn Phú (47 tuổi), ở thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn kể lại với vẻ mặt thất thần, chưa hết sợ hãi.

Trận lốc xoáy kéo qua 4 xã này chỉ trong 15 phút nhưng theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Quảng Trạch, 464 ngôi nhà đã bị tốc mái và sập, xã Quảng Sơn 300 nhà, xã Quảng Minh 21 nhà, Quảng Thủy 60 nhà và xã Quảng Văn 83 nhà. Nhà đổ, tường sập đã làm 3 người chết là anh Phan Xuân Sơ (48 tuổi), anh Mai Xuân Thụ (43 tuổi) và bà Ty (55 tuổi), cùng ở xã Quảng Minh. 26 người khác bị thương (nhiều trường hợp nguy kịch, đang cấp cứu tại bệnh viện). Do trận lốc xảy ra giữa đêm khuya nên việc chạy nạn, chống đỡ của người dân các xã này rất yếu ớt và bị động.

Miền trung - Xót lòng quê nghèo sau bão dữ! (Hình 2).

Lực lượng cứu hộ chuyển quan tài người tử nạn do lốc xoáy tối 16/10 tại xã Quảng Sơn đi trong bốn bề nước.

Ông Trần Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch bàng hoàng cho biết: "Thiệt hại quá nặng nề. Cảnh tượng sau trận lốc như một trận bom B52 thời chống Mỹ vừa rải xuống". Đến chiều 16/10, công tác cấp cứu người bị thương và khắc phục hậu quả đang được triển khai, ca nô đã được UBND huyện điều lên để ứng cứu bà con, nhưng công việc đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều địa bàn ở 3 xã này nước dâng cao đã cô lập toàn toàn.

Đám tang của những người thiệt mạng trong trận lốc cũng vô cùng khốn cực. Người dân tại thôn Hà Sơn, xã Quảng Văn đã bưng mặt khóc nấc khi thấy quan tài của một trong ba nạn nhân bị tử nạn được lực lượng cứu hộ kéo đi giữa bốn bề nước lũ trắng xóa...

Miền trung - Xót lòng quê nghèo sau bão dữ! (Hình 3).

Một nhà dân thôn Hà Sơn, xã Hoàng Sơn sập hoàn toàn sau trận lốc.

Chiều 16/10, qua điện thoại, ông Dương lại thông báo với phóng viên: "Tình hình rất nguy cấp! Hiện nước lũ đã ngập trắng 10 xã vùng Nam sông Gianh của huyện gồm: Quảng Trung, Quảng Tiên, Quảng Thủy, Quảng Sơn, Quảng Minh, Quảng Hòa, Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Tân và Quảng Hải. Nước sông Gianh vẫn đang dâng lên. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Huyện đội đang điều tàu ra ứng cứu. 500 thùng mì ăn liền đã được chuyển ra Quảng Trạch để cứu đói cho bà con...".

Trước đó, khoảng 11 giờ trưa ngày 15/10, một cơn lốc xoáy khác cũng quét qua địa bàn hai xã Mỹ Thủy và Mai Thủy, huyện Lệ Thủy khiến hàng chục nhà dân ở đây bị tốc mái, hư hỏng nặng. Rất may chưa có thương vong về người...

Một trận lũ quét kéo dài từ 3 - 5 giờ sáng 16/10 đã gây thiệt hại nặng, bà con nhiều xã ở huyện Minh Hóa đã phải gồng gánh nhau chạy lũ giữa sớm tinh mơ. Hơn 2.000 nhà dân đã bị ngập, trong số đó có 828 nhà bị ngập sâu trên 2m, 2 nhà dân ở xã Xuân Hóa bị lũ cuốn trôi không còn dấu vết. Mưa lũ đã làm sập cầu treo ở xã Hóa Thanh, nhiều thôn bị cô lập, 1 người xã Trung Hóa bị thương nặng do lũ cuốn. Đặc biệt, tại xã Hóa Tiến, đã có trên 350 nhà dân bị ngập, chợ Hóa Tiến bị nước lũ nhấn chìm trong đêm, nhiều lều quán cùng tài sản của tiểu thương bị nước lũ cuốn trôi.

Sáng 16/10, hai cô giáo là Nguyễn Thị Lộc và Nguyễn Đinh Hương (giáo viên Trường tiểu học Liên Trạch) khi đi từ xã Liên Trạch qua xã Hưng Trạch đã bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Đến gần 15 giờ chiều, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể cô Lộc, còn cô giáo Hương vẫn chưa được tìm thấy... 

Miền trung - Xót lòng quê nghèo sau bão dữ! (Hình 4).

Người dân tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã phải lên nóc nhà để trú ngụ vì nước ngập sâu.

Bão qua, hoang tàn ở lại

Thống kê đến hiện tại đã cho thấy những con số khủng khiếp về thiệt hại sau hai cơn bão liên tiếp số 10 và 11. Đã có cả chục người chết dọc các tỉnh dọc miền Trung, đấy là chưa kể hàng chục nghìn căn nhà bị ngập; hàng trăm nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng bị ngập, hư hại, tốc mái.

Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch - nơi được mệnh danh là "thủ phủ" của những vườn cao su bạt ngàn của tỉnh Quảng Bình, những hình ảnh trù phú, xanh tươi của bạt ngàn cao su ở xứ này đã biến mất chỉ sau 4 giờ oanh tạc của bão số 10 với sức gió cấp 13 - 14. Thay vào đó bây giờ là một cảnh tượng hoang tàn, xác xơ bởi cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Gần 2 ngày qua, chị Lê Thị Hồng Thắm (trú ở tiểu khu Tiền Phong) chỉ biết ngồi thẫn thờ trong nhà qua cửa sổ thất thần nhìn ra vườn cao su rộng 4ha, cho thu hoạch gần 2 năm nay giờ như bãi chiến trường. 4ha cao su của chị gãy đổ gần 80%, "tan tành hết, trắng tay rồi..." - chị Thắm nói như vô hồn. Nhiều người khác bước ra vườn thấy cảnh tượng chẳng khác gì trận bom B52 thời chống Mỹ, hãi hùng quá ngất lịm đi.

Miền trung - Xót lòng quê nghèo sau bão dữ! (Hình 5).

Tại xã Quảng Sơn, trên mái nhà tốc, dưới chân nước ngập sâu.

Còn tại huyện Vĩnh Linh - nơi có diện tích cao su lớn nhất tỉnh Quảng Trị, không ít người nông dân nay đã vỡ mộng đổi đời nhờ loại cây công nghiệp được mệnh danh là "vàng trắng" này. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Vĩnh Linh, bão số 10 làm hơn 4.000/7.600ha cao su đang cho khai thác mủ của nông dân bị gãy đổ. Cao su được mệnh danh là "vàng trắng" đã đổi đời cho hàng vạn hộ dân ở Quảng Bình, Quảng Trị khoảng hơn chục năm qua. Đối với họ, cao su là "nồi cơm", là "học phí" con cái, là "nhà cửa", là "tiện nghi". Vậy mà sau cơn bão Wutip, đi về những vùng cao su nổi tiếng này, chúng tôi chua chát nhận ra, người nông dân một nắng hai sương từ bao năm nay bỗng chốc thành tay trắng.

Xã miền biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), một cán bộ văn phòng UBND xã này lắc đầu: "Trong các làng giờ không còn mấy ai đâu. Họ bỏ ra khu neo đậu tàu thuyền rồi, bão làm tàu chìm, tàu vỡ, tàu tan tác hết...".

Ông Đồng Thanh Hòa, chủ tàu QB 93842, công suất 220CV cùng người thân bần thần ngồi sau chiếc tàu đã bị sóng đánh vào bờ làm vỡ nát phần đuôi, nước ngập cả khoang tàu, máy móc hỏng hóc, dụng cụ mất sạch. Ông Hòa cho biết, con tàu này được ông mua lại ở Bà Rịa - Vũng Tàu 2 năm trước, trị giá gần 1 tỷ đồng. "Hai năm qua đánh bắt không được bao nhiêu, nợ nần chưa trả xong, giờ cái tàu này coi như đồ bỏ, đúng là kêu trời không thấu" - ông Hòa nói.

Với hai cơn bão dồn dập, dải đất miền Trung liên tiếp phải dầm mình trong những cơn bão to, lũ dữ nối tiếp, dập dồn. Ám ảnh mãi em bé gái huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), tay cầm gói mì tôm sống, nhai tạm qua cơn đói mà như nghẹn... Em trai nhỏ tranh thủ chút nắng yếu ớt bên QL1A qua Triệu Phong (Quảng Trị) để hong lại mấy cuốn sách, vở vớt lại được giữa bạt ngàn nước mênh mông. Bà mẹ già sục bùn tìm lại chén bát, nồi xoong nửa vỡ nửa còn, méo mó, phơi lại thúng gạo đã mốc meo... Có những mảng đầu bạc đớn đau đưa tiễn mái đầu xanh, những cụ già ra đi chưa một lời dò dặn con cháu. Những gia đình mất cha, những người từ nay vắng mẹ... Đau đớn chất chồng thành vết thương khắc sâu vào trong ý niệm.

Và cứ thế sau mỗi đận thiên tai, không chỉ người dân miền Trung xa xứ lại nao lòng hướng vọng, mà tấm lòng đồng bào cả nước lại dang tay ôm lấy miền Trung, cùng nhau sẻ chia nghĩa tình với khúc ruột mến thương.

Theo Sức khỏe Đời sống

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.