Nước mắt bên dòng Mỹ Dương
Chúng tôi có mặt tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) một ngày, sau hai cái chết thương tâm của đôi vợ chồng đuối nước Lê Văn Dung (SN 1969) và Dương Thị Loan (SN 1970).
Bước vào đám tang ấy, không ai có thể cầm được nước mắt trước năm đứa trẻ tội nghiệp đang vật vã bên hai cỗ quan tài của cả cha lẫn mẹ. Đặc biệt là trước giọt nước mắt lưng tròng nhưng đôi môi bặm chặt của cậu con trai út chỉ mới đang học lớp 5 khi phải tận mắt chứng kiến cảnh cha mẹ ngấp ngoái giữa dòng Mỹ Dương trong những giây phút cuối cùng.
Hiện trường vụ chết đuối thương tâm.
Giữa đợt nắng nóng kéo dài của tiết trời tháng 5, năm đứa trẻ tội nghiệp dường như không còn sức để khóc, để gào thét trước cái chết thương tâm của cha mẹ mình. Nước mắt ngắn dài mếu máo đau xót, phải mất rất nhiều thời gian Lê Tiến Đạt (SN 2001), cậu con trai út của anh Dung và chị Loan quá cố mới bật khóc nói ra được cái nỗi ám ảnh kinh hoàng trong cuộc đời mình ngày hôm trước.
Khoảng hơn 12h trưa ngày 16/5, vừa mới đi gặt về, vội vàng ăn bát cơm lót dạ, như thường lệ vợ chồng anh Dung lại tất bật chuẩn bị đồ nghề để ra sông thả cá. Đạt cũng không muốn ngủ trưa mà tất tả chạy theo phụ giúp bố mẹ. Không ngờ, do thuyền sử dụng lâu ngày, bị ải, nên khi hai vợ chồng chất lưới xuống thì nó liền bị chìm nước chỉ còn nhô lên cái mui thuyền được kê trên sườn bờ. Để có thể múc nước ra cho thuyền nổi lên, hai vợ chồng đã để cậu con trai ngồi lại mui của chiếc thuyền bị chìm đó để dỡ bớt lưới sang một cái thuyền nhỏ khác đưa ra sông thả trước.
Khi thả hết chuyến đầu tiên hai người quay lại lấy lưới chuyến thứ hai để ra giữa dòng thả tiếp. Nhưng do chiếc thuyền nhỏ đó của gia đình sử dụng đã cũ kỹ nên khi ra đến giữa dòng nó cũng từ từ bị ngấm nước và cứ thế chìm dần một cách nhanh chóng, mặc dù hai vợ chồng đã thay nhau tát nước liên tục nhưng vẫn không kịp, chiếc thuyền nhỏ cứ thế chìm dần dưới dòng nước.
Cháu Lê Tiến Đạt nức nở khi nhớ lại ký ức kinh hoàng.
Nghẹn ngào trong những giọt nước mắt giàn giụa, Đạt kể lại cái cảnh bố mẹ mình ngấp ngoái giữa dòng nước lớn: "Lúc đó vào khoảng 1h chiều, mực nước trên sông dâng rất cao xấp xỉ mặt bờ, bố mẹ em chèo thuyền ra thả lưới, khi đang thả lưới ở giữa dòng thì em thấy thuyền bố mẹ cứ thế chìm dần, xong rồi bố em nhảy xuống nước trước rồi vác người mẹ em đẩy lên...". Nấc lên vài tiếng nức nở Đạt kể tiếp: "Vào giây phút đó em rất sợ, biết thuyền bố mẹ xảy ra chuyện nhưng em không biết phải làm gì? Vì thuyền bố mẹ ở xa. Trong lúc bập bềnh trên mặt nước, mẹ cố gọi thét lên bảo em chạy đi tìm người".
Dù là đàn ông, nhưng anh Dương Văn Phượng, cậu ruột của Đạt cũng rớm nước mắt khóc thương tiếp lời cháu trai: "Khi thấy bố mẹ gặp nguy hiểm, cháu nó chạy bán mạng về mấp máy sợ hãi không nói thành tiếng kêu cứu với tôi và mọi người. Nhưng vì từ chỗ đó về đến nhà dân cũng mất khoảng 500m, nên khi chúng tôi đến nơi thì đã không còn thấy anh chị đâu nữa. Giữa sông chỉ còn chiếc thuyền chìm mấp mé trôi nổi trên mặt nước. Vào lúc đó nước rất lớn, mực nước sâu khoảng tầm 3m nên việc cứu giúp cũng hết sức khó khăn, phải mất khoảng 30 phút sau đó chúng tôi mới tìm thấy thi thể của Loan, và đến khoảng 14h30’ thì mới tìm thấy được em rể.
Do không có điều kiện, nhà lại neo người nên khi tìm thấy thi thể của vợ chồng nó, mọi người đành phải để cả hai vợ chồng trên chiếc thuyền chìm rồi đưa về nhà mai táng. Khổ thân hai đứa, cả đời vất vả khổ cực, vậy mà khi chết đi rồi vẫn còn chưa hết khổ! Bây giờ các cháu của tôi biết tính làm sao?".
Lễ tang của đôi vợ chồng xấu số.
"Bố mẹ chết rồi! chúng con biết về đâu?"
Trong tiếng kèn, tiếng trống ai oán bi thương, mọi người tham dự đám tang không ai không cảm thấy ngậm ngùi đau xót khi nghe những tiếng gào khóc, trách móc xé nát tâm can của những đứa trẻ tội nghiệp: "Bố ơi! Mẹ ơi! Bố mẹ về với chúng con đi! Đừng bỏ rơi chúng con. Bố mẹ đi thế này chị em con biết sống làm sao? Ai sẽ nuôi chị em con? Ai sẽ là người yêu thương dạy dỗ, dìu dắt chúng con lên người? Sao bố mẹ nỡ lòng bỏ rơi chúng con mà đi như thế này? Chúng con còn chưa khôn lớn, còn chưa có khả năng phụng dưỡng bố mẹ ngày nào. Cả đời bố mẹ vất vả vì chúng con mà giờ lại ra đi như thế"...
Tiếng kêu thảm thiết như nói lên hết thảy sự khó khăn, vất vả trong cuộc đời của đôi vợ chồng bất hạnh với năm đứa con thơ dại, bởi như lời ông Lê Cảnh Dương, một người hàng xóm cho biết: "Gia đình anh Dung, chị Loan, vốn đã nghèo khổ từ xưa đến nay, ông bà hai bên nội ngoại đều mất sớm. Năm 1990, khi hai người lấy nhau cũng chỉ bằng mấy mâm cơm, báo cáo anh em họ hàng rồi về sống với nhau chứ đâu có được tổ chức cưới xin linh đình như những người khác. Rồi liên tiếp sinh ra 5 người con, cuộc sống lại càng trở nên vất vả.
Cả xóm, cả thôn ai cũng thương bởi nhiều đêm canh ba gà gáy mọi người đang say nồng giấc ngủ, thì anh chị đã mò mẫm ngoài sông thả cá để kiếm sống qua ngày, nhưng vẫn không đủ ăn. Khó khăn lắm chính quyền địa phương mới hỗ trợ và cho vay vốn để dựng lên ngôi nhà tình nghĩa mới chưa ở được bao lâu đã chết thảm thương! Để lại cục nợ hơn 20 triệu cho 5 đứa trẻ tội nghiệp tương lai còn chưa biết sống sao khi họ hàng ai cũng khó khăn, có muốn cũng không có điều kiện để giúp".
Năm đứa con tội nghiệp ngồi bên di ảnh của bố mẹ trước lễ tang.
Trong gia đình bây giờ, cô con gái đầu Lê Thị Ngọc (SN 1993) là người đứng mũi chịu sào để quán xuyến gia đình, thế nhưng, sau chuyến xe từ Nam Định trở về, đứng trước hai cỗ quan tài của cha mẹ, cô khóc thảm thiết đến ngất lên ngất xuống. Mọi công việc tổ chức tang lễ đều phải dựa cả vào hàng xóm láng giềng và một vài người họ hàng thân thiết trong gia đình. Cô em gái thứ hai và thứ ba cũng vội vàng từ Vinh chạy về khi còn đang đi giúp việc cho nhà người ta.
Nhà nghèo, mấy chị em phải bỏ học giữa chừng, để đi làm kiếm tiền tự nuôi sống bản thân, bớt đi gánh nặng cho bố mẹ và dồn tiền nuôi hai đứa em, một đứa đang học lớp 8 và một đứa đang học lớp 5: "Chúng nó mặc dù học rất giỏi nhưng lại không có điều kiện tiếp tục giấc mơ cắp sách tới trường như những bạn bè cùng trang lứa nên luôn cảm thấy rất tiếc nuối. Đứa học cao nhất mới đến hết lớp 9 là phải nghỉ, có đứa chỉ được học hết lớp 6. Vì thế, nên anh chị vẫn luôn mong muốn có thể cho hai đứa sau đi học để thực hiện giấc mơ của các chị chúng. Nhưng bây giờ, bố mẹ chúng nó mất đi rồi, niềm mong ước cho hai đứa em ăn học nên người đó liệu có thể thực hiện được nữa? Khổ tâm lắm cô ơi! Không biết rồi sẽ phải gửi các cháu đi đâu nữa?" - ông Trương Thế Luyện, người anh rể của anh Dung tâm sự.
Thắp nén nhang thương tiếc trong nỗi xót xa, chúng tôi rời bước ra khỏi đám tang ngập tràn nước mắt ấy trong nỗi nghẹn ngào. Im lặng không nói lên lời, trong thâm tâm mình ai cũng cầu nguyện cho linh hồn đôi vợ chống ấy sớm siêu thoát. Và mong sao cho những đứa trẻ sẽ có thể hướng tới hai chữ "tương lai".
Cần lắm một tấm lòng hảo tâm trước những phận đời bất hạnh Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Hát, trưởng xóm Nam Sơn, xã Cương Gián cho biết thêm: "Gia đình anh Dung và chị Loan là một trong những gia đình khó khăn nhất xã, nhiều năm liền phải xếp vào danh sách hộ nghèo, cuộc sống thật sự rất đáng thương. Cháu đầu lấy chồng xa, đã có 2 con, lại cũng theo cảnh cha mẹ chài lưới sống đặng qua ngày. Còn 4 đứa em bây giờ không biết sẽ phải tính thế nào? Bởi họ hàng cũng ít lại không ai có điều kiện khấm khá gì cho cam. Chúng tôi xin kêu gọi những nhà hảo tâm, hãy giúp đỡ cho các cháu, để chúng có cái ăn và không phải bỏ học giữa chừng". |
Hồng Điệp - My Khánh