Bỏ con vì…hoàn cảnh?
Mới đây, mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện một bé trai bị bỏ rơi tại chùa Tây Long (Tây Cốc, Đoan Hùng, Phú Thọ) với dòng thư tay viết vội. Nội dung bức thư: “Vì hoàn cảnh éo le không thể chăm sóc cháu được, tôi nhờ nhà chùa nuôi dưỡng. Cháu sinh ngày 3/1/2020. Trăm sự nhờ nhà chùa, tôi sẽ quay lại gặp nhà chùa khi có điều kiện”.
Để xác minh câu chuyện trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tây Cốc, Đoan Hùng, Phú Thọ.
Ông Hiếu xác nhận, trường hợp trên chính xác xảy ra trên địa bàn xã Tây Cốc: “Sáng ngày 25/4 xã cũng nhận được tin báo từ sư thầy tại chùa Tây Long, có một cháu bé được đăt tại chùa. Sau khi nhận được tin chúng tôi đã cử công an xã, cán bộ y tế, tư pháp xuống để kiểm tra tình hình và sức khỏe của cháu bé”.
Cũng theo ông Hiếu, sư thầy tại chùa Tây Long có kể lại vào khoảng 3h sáng ngày 25/3 sư thầy có phát hiện ra người lạ vào chùa, sau đó sư thầy có trích xuất camera thì thấy hai người mặc quần áo mưa để cháu bé ở chỗ tượng phật. Sư thầy ra xem và thấy một bé trai kèm bức thư viết tay. Thầy lập tức đưa cháu bé vào phòng.
“Sau khi kiểm tra, sức khỏe của cháu bé bình thường và được nhà chùa nuôi dưỡng. Vì trong đó có một bức thư của mẹ cháu để lại nói do hoàn cảnh nên không thể nuôi được đứa bé và nhờ nhà chùa nuôi hộ”, ông Hiếu thông tin.
Mới đây nhất, tại Yên Bái, vào khoảng 11h ngày 26/4, một người phụ nữ (chưa rõ danh tính) bế theo một cháu bé chưa cắt rốn đến một nhà nghỉ ở thôn Nàng Ngân, xã Vũ Linh xin nghỉ nhờ. Tuy nhiên, sau đó người phụ nữ này đi ra ngoài và bỏ lại cháu bé. Được biết, thời điểm người phụ nữ này bế cháu bé đến thì chủ nhà nghỉ đi vắng, chỉ có một cháu bé trông nhà.
Hiện tại bé cũng đang được một gia đình tốt bụng cưu mang.
Lỗ hổng tiền hôn nhân còn quá lớn
Thời gian gần đây có không ít người mẹ bỏ rơi con khi mới lọt lòng khiến dư luận không khỏi xót xa. Bởi đứa trẻ không có tội, không nên bị bỏ mẹ bỏ rơi chỉ vì hoàn cảnh.
Nói chuyện với PV, chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An nhận xét: “Nếu đứng ở góc độ những người mẹ bỏ rơi con thì họ luôn vin vào và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng với những người xung quanh thì việc này là không đúng. Những người bỏ lại con mình chắc chắn là còn trẻ và họ có hai nỗi sợ hãi lớn”.
Theo chuyên gia tâm lý Vera Tuệ, thứ nhất, họ sợ những người xung quanh sẽ nhìn mình bằng con mắt khác. Nỗi sợ không còn được nhận sự yêu thương từ gia đình, người thân quen và nhất là không thể nuôi con. Hai nỗ sợ ấy đến từ việc thiếu kiến thức về tiền hôn nhân. Những cô gái trẻ không nắm và ít tìm hiểu về kiến thức tình dục, sức khỏe sinh sản và đặc biệt thiết lập mối quan hệ rõ ràng trong tình yêu.
Lỗ hổng lớn như vậy là do cách giáo dục từ gia đình. Bố mẹ chưa thực sự chia sẻ với con về vấn đề giới tính. Để khi bước chân ra ngoài xã hội, người trẻ không thể phòng thủ trước những diễn biến khó lường từ cuộc sống. Bỏ con hoặc phá thai ngoài ý muốn họ sẽ phải chịu sự dằn mặt từ “tòa án lương tâm” đến suốt cuộc đời. Thậm chí, sẽ oán hận đàn ông vì những tổn thương mà mình đã từng phải chịu đựng.
Chính vì thế, trước hết là cộng đồng, thay vì oán trách, chỉ trích thì hãy mở lòng ra với họ hơn khi họ đã có những điều ngoài ý muốn. Cha mẹ, hãy bên cạnh và hỗ trợ con cái dù có bất kỳ điều gì xảy ra.
“Tre non dễ uốn”, vậy nên, cha mẹ hãy củng cố cho con kiến thức về giới tính ngay bắt đầu từ giai đoạn vị thành niên. Cần chia sẻ và định hướng để các em chuẩn bị hành tranh tốt nhất bước vào đời.
Mai Thu