Bỏ tiền tỷ xây chợ nhưng tiểu thương ra đường bán
Để tạo điều kiện cho các hộ dân có chỗ kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa, ngày 7/6/2018, UBND xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã văn bản gửi UBND huyện Đắk Mil và Phòng Kinh tế - Hạ tầng đề nghị cho phép đầu tư xây dựng chợ nông thông trên địa bàn xã Đắk N’Drót.
Nội dung văn bản nêu rõ, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay, trên địa bàn xã Đắk N’Drót chưa có chợ, điểm giao lưu, buôn bán, kinh doanh.
Do đó, để tạo điều kiện cho các hộ có chỗ kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng và từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phát triển về thương mại – dịch vụ cũng như thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, UBND xã Đắk N’Drót đề nghị UBND huyện Đắk Mil, Phòng Kinh tế - Hạ tầng xem xét cấp phép xây dựng chợ nông thôn tại địa bàn xã. Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ là 100% kinh phí tư nhân (gia đình tự đầu tư kinh phí xây dựng).
Trên cơ sở đề nghị của chính quyền cơ sở, ngày 18/6/2018, UBND huyện Đắk Mil đã có văn bản đồng ý chủ trương xây dựng chợ nông thôn xã Đắk N’Drót tại địa bàn thôn 4, xã Đắk N’Drót.
Tiếp đó, tháng 11/2018, UBND huyện Đắk Mil đã có văn bản đồng ý cấp giấy phép xây dựng chợ nông thôn xã Đắk N’Drót gồm: 233m2 khối nhà phụ trợ; 273,6m2 khu kinh doanh dịch vụ; hơn 500m2 khu kinh doanh hàng hoá; 600m2 nhà chợ lồng; 24m2 nhà xệ sinh và sân, cổng, hàng rào...
Thấu hiểu nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng chợ, gia đình ông Lê Văn Thuyên (SN 1960, trú tại thôn 4, xã Đắk N’Drót) đã tự nguyện hiến gần 4 sào đất của gia đình mình tại thôn 4, cách trụ sở UBND xã chưa đầy 1km để phục vụ xây dựng chợ.
Ông Thuyên cho hay, do trên địa bàn xã Đắk N’Drót không có chợ để phục vụ giao thương, buôn bán nên nhiều người có vài bó rau, ít trái cây do gia đình trồng được cũng không biết bán ở đâu, bán cho ai nên đành đem cho gia súc ăn. Mặt khác, nhiều khi, người dân phải đi xa gần 20km để mua thức ăn.
Đáng nói, nhiều năm nay, người dân buôn bán đồ ăn, rau củ, trái cây... dọc tuyến đường tại trung tâm xã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông vì người dân đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định để mua hàng hóa. Mặt khác, quá trình buôn bán tự phát, các hộ kinh doanh vô tư đổ nước thải ra giữa đường gây hôi tanh, mất vệ sinh...
Chính vì thế, gia đình ông Thuyên hiến đất, đồng thời bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chợ và làm đường bê tông vào chợ với mong muốn phục vụ phát triển kinh tế cho người dân và địa phương. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Theo thông tin từ ông Thuyên, sau khi hoàn thành, chợ nông thôn xã Đắk N’Drót đã có 60 tiểu thương đăng ký vào buôn bán. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, các tiểu thương rời khỏi chợ nông thôn Đắk N’Drót, di chuyển lên trục đường chính của xã (cách chợ chưa đầy 100m) để tiếp tục buôn bán như trước đây.
Dẫn đến việc tiểu thương bỏ chợ ra đường bán, ông Thuyên cho hay: “Sau thời gian đi vào hoạt động, cơ quan thuế của huyện Đắk Mil xuống yêu cầu các tiểu thương đóng thuế kinh doanh, thuế môn bài theo quy định. Lúc này, các tiểu thương đã di chuyển về trước nhà mình hoặc thuê mặt bằng trên trục đường chính của xã buôn bán để không mất tiền thuế”.
Trong khi đó, một tiểu thương lại cho rằng, sau một thời gian vào chợ buôn bán, lượng người mua rất ít ỏi. Vì thế, mọi người di chuyển lên đường chính để thuận lợi cho việc kinh doanh.
Sẽ tổ chức họp dân, đánh giá lại hiện trạng chợ
Trước tình hình trên, vào ngày 15/5/2021, UBND xã Đắk N’Drót đã có văn bản gửi chi bộ, ban tự quản thôn, buôn trên địa bàn thực hiện kế hoạch tổ chức họp chợ.
Nôi dung văn bản nêu rõ: “Chợ xã Đắk N’Drót được xây dựng năm 2018, đã đi vào hoạt động một thời gian, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua bán của người dân, không gây cản trở giao thông, vệ sinh môi trường không có nước thải ra đường. Một thời gian sau đó, chợ ngừng hoạt động. Nay, có một số tiểu thương có các mặt hàng muốn họp chợ nhằm đáp ứng mục đích tránh hàng giả, hàng nhái và các loại trôi nổi không có nguồn gốc nguy hại sức khỏe cho bà con nhân dân”.
Từ đó, UBND xã Đắk N’DRót giao cho Ban quản lý chợ tổ chức quản lý chợ, dọn vệ sinh môi trường đúng theo quy định, không để làm mất cảnh quan gây ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, phòng chống cháy nổ theo quy định. Đồng thời, đề nghị các tiểu thương, hộ gia đình có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa thì ban quản ý sắp xếp ki ốt tạo điều kiện.
Ngoài ra, UBND xã giao Ban An toàn giao thông xã, ban tự quản thôn 4 hướng dẫn bà con nhân dân tập trung vào chợ mua bán, trao đổi hàng hóa theo quy định.
Hơn thế nữa, đại diện ban quản lý chợ, ông Thuyên cũng cam kết miễn tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương trong 2 năm đầu để ổn định việc kinh doanh, buôn bán. Trong thời gian này, các hộ kinh doanh chỉ đóng phí vệ sinh, điện nước... trong quá trình buôn bán tại chợ.
Thế nhưng, đến nay, các tiểu thương vẫn không quay lại chợ Đắk N’Drót để buôn bán khiến khu chợ tiền tỷ trở thành nơi để rơm, nuôi ong mật, nuôi gà, phơi bắp... Khắp nơi trong khu chợ, bụi bẩn, đất bám dày đặc, thậm chí để cỏ dại mọc. Bảng hiệu của khu chợ cũng được gỡ xuống để vạ vật dưới nền. Tại nhiều ki ốt, các tấm tôn bị hoen rỉ, ố vàng...
Anh Lê Phúc Lợi (trú tại thôn 4, xã Đắk N’Đrót) chia sẻ: “Việc họp chợ không chỉ thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa mà còn dễ dàng xử lý các vấn đề nước thải, rác thải. Thế nhưng, các tiểu thương không vào chợ mà buôn bán tự phát hai bên trục đường chính của xã đã vô tư xúc rửa, đổ nước thải tràn lan ra đường mỗi ngày.
Chưa kể, nhiều người đậu, đỗ xe ngay giữa lòng, lề đường để vào mua hàng khiến cho việc lưu thông của các phương tiện bị cản trở và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”.
Liên quan đến sự việc nói trên, ông Đàm Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drót cho hay, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương đã giao cho ban tự quản thôn 4 mời các hộ dân, ban quản lý chợ, cùng các ban, ngành của xã, cơ quan thuế của huyện... tổ chức họp để tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho người dân vào chợ họp, buôn bán. Tránh tình trạng buôn bán trên lề đường chính của xã gây mất an toàn giao thông và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đến nay cuộc họp với người dân vẫn chưa thể thực hiện.
Cũng theo ông Kính, thời gian qua lãnh đạo xã đã chỉ đạo các cán bộ địa chính phối hợp với công an xã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn hành lang an toàn giao thông, đổ nước thải ra đường của các hộ kinh doanh hàng hóa dọc hai bên đường chính. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên không thường xuyên kiểm tra.
Bên cạnh đó, mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý thì người dân chấp hành nghiêm nhưng ngay khi lực lượng chức năng rời đi thì mọi thứ đâu lại vào đó, việc vi phạm vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều trường hợp đã cam kết không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông hoặc đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm.
Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drót cho biết, thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo, đôn đốc ban tự quản thôn tổ chức họp để tuyên truyền, vận động người dân vào chợ buôn bán. Đồng thời, tiếp tục cho người dân dọc hai bên trục đường chính ký cam kết bảo đảm hành lang an toàn giao thông và giữ vệ sinh môi trường. Nếu người dân vẫn vi phạm thì xã sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Mil thông tin, tới đây Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ tham mưu cho UBND huyện mời các phòng, ban, đơn vị có liên quan đánh giá lại kết quả đầu tư và hiện trạng của chợ Đắk N’Drót có đủ điều kiện pháp lý, cơ sở hạ tầng đảm bảo đưa vào hoạt động hay không. Trên cơ sở đủ điều kiện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ tham mưu cho UBND huyện giao cho Chủ tịch UBND xã tổ chức giải tỏa chợ tự phát hai bên trên tuyến đường chính và yêu cầu các hộ tiểu thương tập trung vào buôn bán, kinh doanh tại chợ mà nhà nước đã cho phép xây dựng. Qua đó, nhằm ổn định kinh doanh, cuộc sống cho các hộ tiểu thương, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Về việc người dân cho rằng, buôn bán trước nhà mình để tránh phải đóng thuế, đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Mil khẳng định, việc này hoàn toàn không đúng quy định. Bởi trước cửa nhà dân là hành lang an toàn giao thông do đó việc mua bán, đậu xe ngay ở giữa lòng, lề đường sẽ gây mất an toàn giao thông.
Khánh Ngọc