Bơ vơ trên chính quê hương mình
Cũng như nhiều đôi vợ chồng trẻ khác, sau khi lập gia đình anh Phạm Văn Kế và chị Võ Thị Hiệp có biết bao hoài bão và ước mơ về tương lai tốt đẹp và cố gắng vun đắp cho ngôi nhà nhỏ của mình. Bức tranh tương lai mà họ vẽ ra có hình ảnh của những đứa con xinh xắn, khỏe mạnh. Và cũng chẳng phải đợi lâu, năm 1995 anh chị sinh đứa con đầu lòng. Họ rất đỗi vui mừng bởi đó là một cậu bé kháu khỉnh, bụ bẫm. Anh chị đặt tên cho cháu là Phạm Văn Cương.
Bố con Trực thường xuyên phải dắt díu nhau đi bệnh viện
Song một điều bất ngờ xảy ra là càng lớn em càng có dấu hiệu da bị bong trốc, ngứa ngáy và có một số nơi còn chảy máu. Lúc đầu, anh chị nghĩ rằng đó chỉ là do thiếu chất hoặc một bệnh lí bình thường. Nhưng càng ngày bệnh tình của em càng có những biểu hiện xấu đi. Vợ chồng anh đã đưa em đến bệnh viện Cu Ba, Đồng Hới (Quảng Bình), sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ cho rằng em bị bệnh vẩy nến, bệnh này phải có quá trình điều trị lâu dài mới có thể khỏi.
Đưa con về nhà mà trong lòng anh chị ngổn ngang tâm sự, cảm giác bất lực vì không thể giúp được gì nhiều cho đứa con tội nghiệp. Những lúc trời oi bức, mồ hôi ra nhiều em lại thấy rát và khó chịu toàn thân. Thương con, anh chị cố gắng tìm mọi cách để chạy chữa cho em nhưng vẫn chưa có một biện pháp nào hữu hiệu.
Mặc cho đôi vợ chồng trẻ gắng sức giải thích hết lời rằng vẩy nến là bệnh miễn nhiễm nhưng em Cương vẫn không tránh khỏi ánh mắt sự e ngại của một số người . Vậy là, cuộc sống cả Cương và gia đình như bị đảo lộn, từ một đứa trẻ bình thường, từ một gia đình hạnh phúc, ấm êm trở thành đề tài bàn tán của mọi người. Cương như bị cô lập ngay chính nơi mình đang sống. Lúc nào em cũng chỉ thui thủi một mình vì không có đứa trẻ nào chịu chơi với em. Vợ chồng anh Kế dù đã cố gắng rất nhiều để không chỉ chữa bệnh cho con mà còn bù đắp khoảng trống trong tâm hồn đứa con trai bé bỏng của mình. Song khoảng trống và mặc cảm về bản thân như càng nới rộng ra theo thời gian.
Với hy vọng số trời run rủi, anh chị quyết định sinh thêm một đứa nữa để Cương có anh có em cho đỡ buồn tủi. Ngờ đâu, đứa con thứ hai, em Phạm Thị Linh lớn lên cũng có những triệu chứng giống anh trai của mình. Anh chị dường như sụp đổ tinh thần hoàn toàn, thấy sao ông trời khéo trêu ngươi. Lần này, hàng xóm lại tiếp tục dị nghị và đồn thổi bao nhiêu là câu chuyện bịa đặt về hai đứa con của anh chị. Và họ khẳng định chắc chắn rằng gia đình anh bị bệnh di truyền và cũng có thể lây nhiễm. Ánh mắt kì thị của mọi người càng tăng lên. Thậm chí, thấy các em đi qua có người còn che mũi, nhổ nước bọt.
Nỗi kinh hoàng của các em không dừng lại ở đó mà tăng lên khi các em đến trường. Ngày nhập học, phụ huynh học sinh tập trung đông đúc trước sân trường vậy mà khi thấy anh Kế đưa hai em đến họ bắt đầu giãn ra, chỉ trỏ, bàn tán. Nói đến đoạn này, mắt anh Kế ầng ậng nước, những giọt nước mắt chưa kịp trào ra thì anh lấy tay quệt vội rồi kể tiếp. Lúc chưa đến trường, vợ chồng tôi đã vẽ lên trong đầu hai con những viễn cảnh thật tươi sáng, tất cả đều màu hồng. ở lớp sẽ có rất nhiều bạn bè, thầy cô và có rất nhiều trò chơi. Mọi người rất thương yêu nhau. Vậy nên, trước khi đến lớp hai con tôi đã rất háo hức, dậy từ sớm để sửa soạn đồ đạc để đến trường.
Họa vô đơn chí
Khi mọi người đã dần quen với hình ảnh hai con của anh chị thì năm 2003, em Phạm Văn Trực ra đời. Anh chị hồi hộp đợi chờ em trưởng thành từng ngày với hy vọng em sẽ có một số phận khác các anh chị của em. Nào ngờ, em cũng chẳng khác gì anh chị của mình, oái oăm hơn là bệnh còn có biểu hiện nặng hơn. Sau khi đưa em đến bệnh viện, gia đình choáng váng khi phát hiện em bị bệnh ung thư máu.
Đón chúng tôi ở cổng Bệnh viện Trung ương Huế là anh Kế, bố của cháu Trực. Dù anh đã cố gượng cười nhưng vẫn không giấu được nét mặt phờ phạc, lo âu hằn sâu trong đôi mắt ấy. “Tôi và cháu Trực từ ngoài quê mới vào để tiếp tục điều trị. Vì bệnh tật của các cháu như thế này nên vợ chồng tôi suốt năm suốt tháng thay nhau lên bệnh viện. Chắc chúng tôi xin nhập hộ khẩu lên đây mất”, anh cười vẻ đầy chua chát.
Trong lúc chống chọi lại một lúc hai căn bệnh nguy hiểm thì cả nhà của cháu Trực càng gian nan trong việc lo chi phí điều trị. Vốn là gia đình thuần nông, thu nhập chính của gia đình dựa vào 4 sào ruộng. Để có tiền chữa trị cho con, anh chị phải làm thuê, làm mướn đủ nghề miễn sao thấy được nụ cười thơ ngây nở trên môi các con. Nhìn dáng người nhỏ thó của Trực, khó lòng đoán biết được năm nay em đã 9 tuổi. Cân nặng của em chỉ đúng 15 kg, những mảng da trên người em cứ bong ra từng lớp như vảy rắn, đôi chỗ tấy đỏ, tướm máu. Lúc nào em cũng được bố bồng trên tay vì em di chuyển rất khó khăn. Anh Kế đau xót tâm sự: "Cháu Trực bị lột da thường xuyên, hết lớp này đến lớp khác. Một lúc phải gánh chịu cả hai căn bệnh nên cháu yếu hẳn đi, răng rụng gần hết, tóc của cháu giờ chỉ còn lơ thơ vài sợi.
Lúc ra về, anh Kế bồng Trực ra đến tận cửa để tiễn chúng tôi. Vừa đưa bàn tay nhỏ nhắn lên vẫy chào chúng tôi, Trực còn nói với theo: "Lúc mô (nào - PV) rảnh rỗi anh chị ghé lên thăm em nhé. ở đây buồn lắm, có nhiều người chơi em sẽ thấy đỡ đau hơn".
Quá sức vì gánh nặng gia cảnh Khi được hỏi về điều em mong muốn nhất bây giờ, Trực như gào lên. Em muốn được chạy nhảy như các bạn, được khỏe mạnh, được về nhà và được đi học. Những ước muốn tưởng như giản đơn nhưng đối với em và gia đình nó như một phép màu diệu kì mà họ đang mong mỏi. Dù đã cố gắng hết sức nhưng anh chị cũng phải vay mượn từ rất nhiều nơi để có tiền chữa trị cho em. Nhẩm tính số tiền anh chị nợ đã lên đến trên 100 triệu đồng, một vài nơi anh chị còn vay nóng, lãi suất rất cao. Đấy là chưa kể chi phí chữa trị cho anh chị của Trực ở nhà và đang chống chọi với bệnh vẩy nến đến nay vẫn chưa khỏi. Với chi mức viện phí, thuốc men của em như hiện nay thì có thể anh chị của Trực phải nghỉ học vì gia đình không có khả năng chu cấp cho cả ba. |
Thùy Linh - Hồ Ngọc