Hiện, chị Đỗ Thị Đức đang điều trị tại bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Hôm chúng tôi đến thăm, chị Đỗ Thị Đức vừa xạ trị xong. Khuôn mặt tiều tụy, người chỉ còn da bọc xương, người phụ nữ gầy gò nằm đó bất động, thở khò khè khó nhọc. Chị mắc ung thư ở giai đoạn muộn và phác đồ điều trị hiện nay cũng chỉ kéo dài sự sống. Cuộc trò chuyện với chúng tôi liên tục bị đứt quãng bởi chị ho liên tục, tức ngực, khó thở.
Chị Đức chia sẻ, năm 2006, chị sinh cô con gái đầu lòng. Niềm vui đón chào thành viên mới trong gia đình vừa đến cũng là khi chị phát hiện mắc ung thư buồng trứng. Sau khi phẫu thuật buồng trứng và điều trị hóa chất ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình trạng bệnh ổn định, kéo dài được 9 năm. Đầu năm 2015, căn bệnh của chị Đức tái phát và di căn vào hai phổi, hạch trung thất.
Trong suốt quãng thời gian từ 2015 đến nay, chị Đức phải điều trị hết ở bệnh viện Bạch Mai sang bệnh viện Phổi và giờ là bệnh viện K. Chừng ấy thời gian bị bệnh, chị đi viện nhiều hơn ở nhà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi lần chuẩn bị đi bệnh viện là tá hỏa vay mượn anh em, làng xóm.
“Có lần, hai vợ chồng vừa từ bệnh viện ở Hà Nội về được mấy hôm lại khăn gói quả mướp xuống viện. Bệnh của mình đã chuyển sang giai đoạn muộn và mọi phác đồ điều trị cũng chỉ với hy vọng kéo dài thêm sự sống mà thôi”, chị Đức kể.
Để có tiền chi phí thuốc thang, trang trải cuộc sống, gia đình chị phải bán hết nhà cửa và vay mượn khắp anh em, chòm xóm. Đến nay, gia đình chị còn nợ hơn 100 triệu đồng và không có khả năng trả nợ. “Khổ lắm chị ạ, từ ngày em ngã bệnh, gia đình khó khăn, trong nhà có cái gì bán cái đấy để lấy tiền điều trị bệnh. Chồng em vừa chăm sóc vợ ốm, vừa đi làm thợ xây, tiền công chẳng được bao nhiêu. Vợ chồng em đã khánh kiệt rồi. Họ hàng, làng xóm, em đều đã vay tiền để chữa bệnh, giờ cũng không thể vay thêm được nữa”, chị Đức mắt đỏ hoe, giọng run run nói.
Chị Đức ngậm ngùi kể, trước đây khi bệnh chưa nặng, chị vẫn đi làm thuê, làm mướn và nuôi thêm lợn để tăng gia thu nhập. Thế nhưng, giờ bệnh nặng, thời gian phần lớn điều trị ở viện nên tất cả mọi thứ đều đổ dồn lên vài người chồng.
“Con gái em đang ở nhờ nhà bác, hàng ngày cháu phải tự lo sinh hoạt. Cô giáo biết hoàn cảnh của cháu nên cũng giúp đỡ nhiều. Thương chồng, thương con, có lúc em cũng muốn buông xuôi, về nhà chờ chết nhưng chồng không đành lòng nhìn vợ đau đớn vì bệnh. Em cũng chẳng biết mình còn sống được bao lâu, sống thêm ngày nào thì khỏi tội nghiệp con ngày ấy, nó còn quá nhỏ”, chị Đức lấy tay gạt nước mắt đang lăn dài trên má.
Chị Đức cho biết thêm, ngoài phác đồ chữa bệnh theo BHYT chị phải điều trị thêm 2 phác đồ và chi trả toàn bộ chi phí khoảng 7 triệu đồng/tuần. Tuy nhiên, bác sĩ tiên lượng dè dặt cộng với không còn khả năng chi trả thuốc thang nên chị Đức chỉ điều trị theo BHYT để kéo dài sự sống.
“Cách đây không lâu, một nhóm thiện nguyện đã vào thăm và ủng hộ 10 triệu đồng. Số tiền ấy mình để dự phòng chữa bệnh”, chị Đức nói.
Mặc dù có chút tiền ủng hộ của nhóm thiện nguyện nhưng chị Đức cũng không dám mua đồ ăn thức uống, bổ sung đạm để đủ sức chiến đấu với bệnh tật. Bệnh tật đã lấy đi tất cả nhà cửa, ruộng vườn của chị và bây giờ một, hai lạng thịt bò tẩm bổ cũng là quá xa xỉ.
Nghe chị chia sẻ, thấu hiểu về hoàn cảnh của chị, ai cũng xót xa. Chị ho nhiều, người xanh như tàu lá. Chị đang cố gắng gượng để chiến đấu với bệnh tật đến những hơi thở cuối cùng. Chỉ thương cho đứa con của chị (cháu lớn học lớp 6) đang tuổi lớn từng ngày thiếu vòng tay ấm của mẹ. Mong sao có phép màu kỳ diệu để chị có cơ hội được sống, để chăm sóc cho con của mình.
Mọi giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm xin gửi trực tiếp đến số tài khoản 8702205130890. Chủ TK: Đỗ Thị Đức, Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Số điện thoại liên hệ: 01679497318.