Gặp chị Nông Thị Út Ngọc (27 tuổi, Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên) tại viện Bỏng Quốc gia, chị Ngọc xuống chăm sóc con trai đã mấy tháng nay và không biết bao giờ mẹ con chị mới được về nhà. Ôm con trai 6 tuổi vào lòng chị chỉ biết khóc, bởi Tuấn Đức đang là đứa trẻ hoạt bát, khỏe mạnh bình thường thì bỗng nhiên tai họa ập đến.
Chị Ngọc nhớ lại, cách đây hơn 5 tháng con trai chị đi sang nhà hàng xóm chơi và ngồi xem họ nướng mực. Khi người hàng xóm cho thêm cồn vào đĩa mực nhưng không may lửa trong đĩa bùng lên tay. Người hàng xóm giật mình đã ném lọ cồn đi nhưng không may trúng vào cháu Đức đang ngồi phía đối diện. Chai cồn đổ từ trên đầu xuống khiến cháu thành ngọn đuốc sống.
“Khi tôi chạy sang thì toàn bộ quần áo trên người không còn nữa. Mặc dù người hàng xóm đã cố gắng dập lửa nhưng con đã tổn thương rất nặng. Khi ấy chúng tôi vội vàng đưa con xuống viện huyện nhưng con bị bỏng nặng quá bện viện viết giấy chuyển cháu lên tuyến trên", chị Ngọc xót xa.
Chị Ngọc cũng cho biết, khi đưa xuống Viện Bỏng Quốc gia cháu Đức bị bỏng cấp độ 4, mức độ tổn thương vô cùng nghiêm trọng, vết thương đã ăn sâu vào gân và xương. Chân phải của cháu ảnh hưởng quá nặng nên bị hoại tử. Đức phải thở bằng máy và ăn bằng ống xông một thời gian.
Hàng ngày, nhìn con trai phải nằm phòng cách ly, khuôn mặt biến dạng, chân tay co quắp, bên chân bị hoại tử phải cắt đi khiến chị đêm nào cũng khóc. Bởi, chỉ còn vài tháng nữa là con trai chị vào lớp một. Tuấn Đức thích đi học, thường xuyên làm trò để cả nhà cười, chị thương con mà không thể làm gì.
Nói đến đây, chị Ngọc gạt vội giọt nước mắt, vì khi Tuấn Đức trải qua thời kỳ nguy hiểm và biết được mình mất đi một bên chân cũng chính là lúc vợ chồng chị phải “điều trị” tâm lý cho con. Chị Ngọc kể: “Con thường xuyên cào cấu cơ thể mình vì người con sờ vào lúc nào cũng thấy nóng. Không những thế, con khó tính hơn trước, ít nói chuyện, ít cười. Khi con thấy mọi người đến hỏi thăm thì không cho nhìn mặt hay ai đụng vào người. Hiện nay kinh tế gia đình tôi đặc biệt khó khăn, nhà chỉ có chờ vào mấy xào ruộng. Trong nhà có gì cũng bán đi hết để chữa bệnh cho con”.
Thi thoảng con hỏi tôi “Mẹ ơi chân con không còn thì đi đâu được mẹ?”, “Mẹ ơi cho con về nhà đi chơi với bố và em, mẹ gọi bố xuống”… Mỗi lần như thế tôi chỉ biết ôm chặt con vào lòng và không biết tương lai của con sẽ ở đâu.
Trao đổi với PV, bác sĩ Đỗ Trung Quyết (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết: “Hiện tại sau phẫu thuật của cháu Đức đã ổn định hơn, da ghép sống tốt. Tuy nhiên, thời gian tiếp theo cần tập phục hồi chức năng cho cháu và sẽ phải điều trị lâu dài”.
Mai Thu