Ở Quảng Nam, Đà Nẵng hầu như ai cũng biết ông ông Lê Tất Dũng (SN 1965), trú thôn Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Với đam mê và khả năng chế tạo kỹ thuật, ông Dũng được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến là “kỹ sư hai lúa”.
Tên của “kỹ sư hai lúa này” còn được gắn với cây cầu phao do ông tự chế, để giúp người dân xã Đại An vượt sông. Thế nhưng, những ngày mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi mất cây cầu phao này, trước sự xót xa của mọi người.
Chia sẻ với PV, ông Dũng cho biết, dể hoàn thành cây cầu phao, ông đã bỏ kinh phí hơn 300 triệu đồng. Được biết, do đặc thù địa hình, bao đời nay, người dân địa phương phải vượt qua sông để sản xuất nông nghiệp. Để qua sông, họ phải chèo ghe hoặc ghép tạm những thanh tre làm bè. Một số trường hợp đáng tiếc đã bị “hà bá” cướp mất sinh mạng. Xuất phát từ đó, ông Dũng đã sử dụng số tiền mình ky cóp được suốt 20 năm trời để làm cầu phao giúp dân. Năm 2012, cây cầu này hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Người dân địa phương rất phấn khởi.
Đáng tiếc, đợt mưa lũ lần này, đã cuốn trôi cây cầu. Người dân và bản thân ông Dũng cảm thấy rất xót xa.
“Tôi chưa kịp neo cầu phao vào bờ thì bị nước lũ làm gãy, thùng phuy bị cuốn trôi còn sắt thì chìm xuống sông”, ông Dũng buồn rầu nói.
Từ ngày cầu phao bị lũ cuốn, người dân Đại An lâm vào khó khăn. Để sang sông làm đồng, bà con phải đi ghe.
Bà Phan Thị Lý (người dân địa phương) chia sẻ: “Đang mùa lũ nên nước lớn, ghe đi rất nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn phải đi làm. Thật sự thương chú Dũng quá. Chú ấy bỏ tiền làm cầu cho chúng tôi. Giờ cầu trôi mất, chú ấy lại lội mưa lũ đi vớt lại mấy cái thùng phuy. Bà con chúng tôi ước ao có một cây cầu vững chãi hơn để mưu sinh, để không có nguy hiểm”,
Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An cho hay, sau khi biết tin cây cầu phao bị lũ cuốn trôi, xã cũng đã trích một phần kinh phí để ông Dũng sửa chữa lại cầu. Tuy nhiên số tiền sửa chữa cầu quá lớn so với ngân sách của xã.
“Chúng tôi cũng mong các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để ông Dũng sửa chữa lại cây cầu cho người dân đi làm đồng không phải bơi ghe, rất nguy hiểm. Cây cầu rất quan trọng với người dân địa phương”, ông Hòa nói.
Nhâm Thân – Duy Cường