Hoa tết thành hoa… chết
Cơn lũ này chưa qua, lũ khác đã dồn dập dội xuống, lũ chồng lên lũ, biến hàng trăm vườn hoa tết đang chờ cung ứng ra thị trường dịp tết nguyên đán sắp tới thành những vườn hoa… chết.
Trên con đường ngập sình lầy dẫn vào làng mai Nhơn An (xã Nhơn An, TX An Nhơn, Bình Định), “thủ phủ” của làng mai cảnh miền Trung, đâu đâu cũng bắt gặp những gốc mai khô quéo, trốc rễ, chậu bể toang hoác trôi dạt khắp nơi... Vẻ hoảng hốt, sự thất thần hiện rõ trên gương mặt sầu thảm của người trồng hoa.
Ông Cáp Văn Toàn (51 tuổi, trú thôn Trung Định, xã Nhơn An) buồn bã cho biết: “Lũ lên nhanh lắm, thoáng cái nước đã trắng cả đồng, có nhà nào kịp trở tay đâu. Nhà có hơn 3000 gốc mai thì chỉ cứu được vài trăm gốc còn lại đành nhìn biển lũ nhấn chìm. Hiện số mai chết đã gần 400 gốc nhưng vẫn đang tăng lên theo từng ngày. Thiệt hại hơn 130 triệu đồng. Bao vốn liếng, công sức chăm bẵm cả mấy tháng trời đổ hết xuống sông xuống bể”.
“Mai ở đây đều có độ tuổi từ 2-7 năm, có chậu mai kiểng “cụ” mấy chục năm tuổi, đang chờ xuống lá để nở vào tết. Nhưng... đợt lũ ngày 16/12 đã nhấn chìm tất cả. Mai bị úng, cây chết, cây còn sống thì héo queo, còi cọc, xơ xác…
Với hơn 3000 gốc mai đương xanh mơn mởn ngỡ đâu tết này có được dăm ba đồng sắm tết cho con nào ngờ lũ quét sạch, trắng tay. Năm nay chắc chắn không có tết”, chị Cáp Thị Thanh Nhàn, một người trồng hoa ở Nhơn An chia sẻ.
Vựa hoa Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) cũng chẳng khá khẩm hơn là bao! Theo chính quyền địa phương, Ngọc Lãng có khoảng 40ha chuyên trồng các loại hoa lay ơn... song mùa trồng hoa tết này chỉ còn hơn phân nửa diện tích. Sau lũ bà con phải thu gom cây hoa bị bệnh đem chất đống trên bờ.
Trao đổi với PV, bà Hồ Thị Hoa (49 tuổi, trú thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc) cho biết: “Thông thường, từ rằm đến 22 tháng chạp âm lịch, thương lái đến tận vườn tranh nhau mua hoa với số lượng lớn. Nhưng nay chẳng ai đặt cọc mua vì cây hoa quá xấu, chỉ có lá trên cành. Gia đình có 3 sào hoa lay ơn nhưng đã bị chết phân nửa, số cây còn lại sống loe ngoe, chưa có hoa... Tiền giống, tiền phân mua nợ các đại lí chờ tết bán hoa để trả giờ chắc phải khất lại năm sau chứ hoa đâu nữa mà bán tết”.
Còn tại làng hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), người trồng hoa cũng đang ngồi trên đống lửa. Bởi vụ hoa tết đã cận kề mà bà con vẫn đang vừa chống lũ, vừa lo cứu nhưng chậu hoa đang chết dần, chết mòn sau những trận mưa lũ dày đặc vừa qua.
Mùa tỏi đắng
Theo ghi nhận của PV tại các xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) người trồng tỏi đang khẩn trương bơm nước cứu ruộng tỏi. Hàng chục máy bơm được đặt la liệt trên những cánh đồng tỏi hòng cứu vãn một mùa tỏi đắng.
Ông Nguyễn Văn Thảo (48 tuổi, trú thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cho biết: “Mưa lớn kéo dài liên tục suốt hai tuần nay, khiến toàn bộ 3 sào tỏi nhà tôi bị ngập úng. Giờ chỉ còn cách cố bơm nước để cứu ruộng tỏi và cầu trời nắng ráo để cây tỏi phát triển, nếu không sẽ không có tiền trả nợ”.
Toàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có hơn 240ha diện tích trồng tỏi, tập trung chủ yếu ở các xã: Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Thọ… Tuy nhiên, sau 2 đợt mưa lớn, người nông dân đang đứng trước cảnh trắng tay. Ông Nguyễn Văn Ánh (chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Vân) cho biết: “Đầu vụ tỏi cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, toàn xã xuống giống khoảng 30ha tỏi. Sau đợt mưa lớn đầu tháng 11, có hơn 40% diện tích tỏi bị thiệt hại. Trong đợt xuống giống cách đây hơn nửa tháng, đợt mưa đầu tháng 12 đã khiến hơn 3ha tỏi tiếp tục bị nhấn chìm. Mưa lũ đang khiến người trồng tỏi thực sự khốn đốn”.
Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi mưa lụt kéo dài, khoảng 90% diện tích trồng ớt trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị thiệt hại và đang có nguy cơ chết úng hoàn toàn.
Ông Trần Văn Minh (trú xã Ninh Thọ, TX Ninh Hòa) cho hay: “Cây ớt nếu chỉ bị ngập trong vài ngày thì vẫn có thể phục hồi, dù năng suất bị giảm do bộ rễ bị tổn thương. Đằng này, mưa kéo dài cả tháng thì không thuốc nào cứu được. Hiện cây đã úa lá, trái chín, trái xanh rụng đầy nên không còn hy vọng gì nữa. Giá ớt hiện nay đã lên đến gần 100.000 đồng/kg, nhưng toàn bộ diện tích trồng ớt của tôi đã chết sạch sành sanh. Tết nhất đến nơi nhưng chẳng còn tâm trạng để mà ăn tết nữa, thậm chí có muốn ăn tết cũng chẳng biết lấy tiền đâu ra. Xót lắm!”
Rau củ quả “đội giá” cao ngất ngưởng, dân vẫn không có để bán Theo ghi nhận của PV, tại chợ Đầm (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) giá các loại rau củ đang tăng từng ngày. Giá rau muống lên đến 12.000 đồng/bó, rau cải tăng từ 5.000 đồng/bó lên 12.000 đồng/bó, rau quế từ 30.000 đồng/kg tăng lên 60.000 đồng/kg, ớt từ 30.000 đồng/kg tăng 100.000 đồng/kg… Các loại rau, củ, quả từ Đà Lạt chuyển về cũng tăng từ 10 – 20%. Tuy nhiên, nguồn hàng đang rất khan hiếm do các vựa rau trong tỉnh đều bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ… |
|
Bạch Hưng