Khi truyện tranh thành “bảo mẫu tâm hồn” cho trẻ...
Vài năm trở lại đây, các nhà xuất bản đua nhau in truyện tranh dành cho thiếu nhi. Những quyển truyện tranh xuất hiện nhiều nhan nhản trên thị trường từ hiệu sách, siêu thị đến các các quầy sách lậu bày tràn lan trên vỉa hè minh chứng cho sự lên ngôi của thể loại truyện này.
Chị Nguyễn Thị Xuân, nhà ở khu Văn Quán, Hà Nội cho biết trong tủ sách của cậu con học lớp 4 có tới gần hai chục loại truyện tranh khác nhau. Từ "Bảy viên ngọc rồng", "Gia đình võ thuật", "Thủy thủ mặt trăng", "Thám tử lừng danh Conan", "Chú bé Rồng", "Hot Grim", "Rô bốt trái cây" đến các loại truyện như "Túy quyền", "Song Hùng kỳ hiệp", "Tam nữ hiệp"... Con chị nghiện các loại truyện tranh đến độ quên ăn quên ngủ. Cậu bé lười ăn nên chị phải dỗ cậu ăn bằng cách mua ô tô đồ chơi và cho đọc truyện tranh "Rô bốt trái cây".
Đây là tập truyện được phỏng theo bộ phim cùng tên trên kênh Bibi - VCTV8, Đài Truyền hình cáp Việt Nam rất được các bạn nhỏ yêu thích. Câu chuyện của 7 robot mang hình dáng các loại quả mang tên khá hấp dẫn như: Đào thích khách, Thơm giác đấu, Nho tia chớp, Táo thiện xạ và Pino do thám, Dâu tây thợ săn, Quýt kiếm sĩ. Cùng với Ngũ quả sư phụ gồm Chuối pháp sư, Dưa hấu chùy vương, Măng cụt đao vương, Mận Ninja và Dừa song kiếm. Nhiều lúc thấy con mải mê đọc truyện mà chểnh mảng việc học, chị giấu kỹ mấy cuốn truyện đi. Cậu quý tử "đình công" bằng cách không ăn, không học. Cuối cùng chị Xuân đành phải "thỏa hiệp" cho cậu đọc sau khi đã làm xong bài tập.
Không chỉ con chị Xuân mà theo tìm hiểu của PV có khá nhiều các em thiếu nhi nghiện đọc truyện tranh. Trẻ nhỏ ở nhiều nơi, đặc biệt là trẻ em ở thành phố làm quen với những hình ảnh vui nhộn của các nhân vật trong truyện tranh ngay từ rất sớm. Nhiều bậc phụ huynh mua truyện có hình ảnh đẹp cho con em mình từ khi chúng bắt đầu đi nhà trẻ. Cũng chính vì điều đó, các em nghiện truyện tranh ngay từ khi mới lơ mơ về mặt chữ.
Nghiện truyện tranh đến quên ăn quên học không chỉ diễn ra ở những học sinh tiểu học mà rất nhiều học sinh trung học cơ sở thậm chí đến bậc trung học phổ thông vẫn không dứt được loại truyện này. Cô giáo của một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ, trong lần kiểm tra của trường với mục đích là kiểm tra việc học sinh mang vũ khí thô sơ, bia rượu, băng đĩa, điện thoại chưa tắt nguồn... đến trường. Ngoài dự tính của đoàn kiểm tra, họ phát hiện rất nhiều truyện tranh ở trong lớp học. Người soạn thảo quy định cũng không thể lường trước được tình huống nên loại truyện này không nằm trong danh mục kiểm tra.
Tuy nhiên, trong quy định cũng có nêu, những dụng cụ không phục vụ học tập thì không được phép mang đến trường. Truyện tranh cũng là thứ không phục vụ cho học tập, không những vậy, học sinh đọc truyện lén ở trong giờ học, không chú ý đến bài giảng, gây ảnh hưởng đến việc học tập. Vì thế, dù nó không trong danh mục cấm nhưng đoàn kiểm tra vẫn thu. Nhiều cán bộ trong đoàn kiểm tra khá bất ngờ vì có nhiều học sinh mang đến 4, 5 quyển truyện tranh đến lớp.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng nhiều các loại truyện tranh có hình ảnh đẹp, được in trên chất liệu giấy tốt, hấp dẫn các em thiếu nhi. Các bậc cha mẹ mua truyện tranh để chiều theo sở thích của con. Tuy nhiên, họ không thể ngờ, đọc truyện tranh nhiều, sẽ gây ra những điều không tốt cho khả năng sử dụng ngôn từ. Hậu quả không xa lạ là những bài văn không đầu không cuối. Câu văn vừa cụt vừa què, thiếu chủ ngữ, vị ngữ, chấm câu lung tung và khả năng diễn đạt ý kém một cách trầm trọng.
Sẽ sản sinh những bài văn... “tật nguyền”
Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học NT, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Bài văn nào của những cháu nghiện truyện tranh đọc lên là biết ngay. Bởi ngôn ngữ đối thoại được đưa vào trong bài văn rất nhiều, câu văn "tật nguyền", dấu chấm câu được dùng bừa bãi".
Rất nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi lối hành văn tệ hại do đọc quá nhiều truyện tranh. Ảnh minh họa
Cô giáo Lê Thị Định, giáo viên dạy văn Trường Năng khiếu ở Nam Định cũng cho biết, do ảnh hưởng của văn phong trong truyện tranh nên học sinh viết văn rất yếu. Cô đã liệt kê nhiều bài văn của học sinh để làm tư liệu, khắc phục cho những thế hệ học trò lớp sau.
Một đoạn văn theo “phong cách truyện tranh” "Tùng tùng tùng... Trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên. Tôi bước ùa ra khỏi lớp. Tôi bước xuống sân trường. Trước mắt tôi, một vụ tai nạn đã xảy ra. Đó là một em nhỏ đang chơi bóng đá. Đang chạy rất nhanh. Rồi bỗng nhiên, một tên tinh nghịch chạy qua. Uỳnh! Hai người sầm vào nhau. Ngay sau khi đứng dậy tên đó vênh mặt, chỉ tay vào em nhỏ quát: "Này thằng kia! có mắt không đấy hả? Đi đứng phải nhìn đường chứ!”. Rồi quay lưng bỏ đi. Em nhỏ đó thật đáng thương. Mặt mũi bầm tím. Khuôn mặt đỏ bừng vì đau rát và bị mắng mỏ. Tôi tiến đến gần, đỡ em bé dậy và đưa em đó vào phòng y tế. Rồi, giọng nghẹn ngào chen với nước mắt cất lên 4 chữ "Em cảm ơn chị”. Lòng tôi ấm áp giữa mùa đông buốt giá”. (Trên là bài viết của một học sinh lớp 4 với đề bài: Viết về tình huống một bạn nhỏ va vào em bé) |
Cô Định cho biết trong một bài văn của học sinh lớp 6 có viết những câu văn cụt lủn như sau: "Trong cuộc đời này ai cũng một lần mắc lỗi. Chẳng sao cả. Em cũng thế". Hoặc: "Nhìn các bạn được đi học. Tôi phải ở nhà vì bị mẹ kỷ luật. Tôi không muốn". Hay: "Ngày xưa có một ông vua sai đi tìm nhân tài. ông vua bảo. Tìm được người tài để đánh giặc. Thánh Gióng nghe loa mới bảo mẹ ra gọi người của nhà vua vào. Người của nhà vua nhìn thấy đứa bé thì bảo. Mày thì làm được gì. Thánh Gióng nói. Mang cơm và cà ra. ăn xong sẽ thành người lớn...".
Một cô giáo dạy văn khác của Trường Năng khiếu Nam Định cũng chia sẻ: Trong đề bài kể lại câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh có học sinh đã viết như sau: "Đến Thăng Long thấy cờ hoa rực rỡ. Biết là Sơn Tinh đã cưới. Mỵ Nương...". Khi viết về câu chuyện "Sự tích bánh chưng bánh dày" một học sinh khác lại viết: "Trong trời đất không quý bằng hạt gạo"... Đó là một câu quá kiệm lời và không rõ ý. Một đoạn văn trong bài văn khác có em lại viết: "Năm 1077 vua nhà Tống sai Quách Quỳ đem đại binh sang xâm lược. Trong cuộc chiến đấu dữ dội và ác liệt. Bỗng một đêm nghe thấy trong đền thờ Chương Hống Chương Hát hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục...". Có trò khác lại viết: "Một hôm bà lão ra đồng. Thấy một bước chân to tướng. ướm thử. Thế là mang thai."
Cô Nguyễn Minh Tâm trường THCS P.H.C (Hà Nội) cũng cho biết, ngôn ngữ trong truyện tranh ảnh hưởng khá nhiều đến cách viết văn của học sinh. Những câu được nhắc nhiều trong truyện tranh cũng được học sinh đưa vào trong bài văn. Ví dụ câu: "Nếu cậu không nói thì không ai bảo cậu câm đâu" được nhắc đến khá nhiều trong các bài văn của học sinh. Cũng có khi trò không nói nguyên vẹn câu đó nhưng người đọc vẫn thấy bóng dáng của câu ấy trong bài văn. Cô Tâm cho biết, càng những năm gần đây những bài văn "tật nguyền" như vậy xuất hiện càng nhiều và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Thành Huế