Đứa cháu bị down, đứa chưa một lần đến trường
Đã có lúc bà Nguyễn Thị Ly (68 tuổi, ngõ 67 Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lặng người khi nghe được những câu hỏi ngây thơ, trong sáng của các cháu. Bà không biết trả lời sao cho yên lòng, vì bản thân bà nhiều năm qua chỉ cố gắng kiếm từng đồng tiền lẻ để 4 bà cháu rau cháo qua ngày.
Được biết, bà Ly có người con gái nhưng hai mẹ con không sống chung, cô này đi biệt tích từ lâu, ở đâu bà cũng không rõ. Lâu lâu, người con gái của bà Ly và cháu gái bà mang về cho bà một đứa cháu, để bà nuôi.
Đến nay bà Ly đã nuôi 3 đứa cháu, chắt. Bố các cháu là ai, bà Ly cũng chẳng rõ. Trong ba đứa cháu, chắt của bà chỉ có Khánh Vy là có giấy khai sinh còn Vân 7 tuổi bị down, Sam Bô 2 tuổi rưỡi thì vẫn chưa có giấy khai sinh, nên có người gọi là “em bé không tên”.
Trong ngôi nhà nhỏ chỉ gần 10m2, bà Ly cũng không tủi phận như bao ngày qua nữa, bởi cũng đã có người biết đến hoàn cảnh của 4 bà cháu nên đã tận tình giúp đỡ. Nhưng khi tiếp chúng tôi, ánh mắt bà vẫn đượm buồn, bởi mai đây khi chân tay bà yếu hơn, đôi mắt mờ đi, sức khỏe không còn, ai sẽ là người chăm lo cho cháu, chắt của bà? Liệu mẹ chúng có trở về đón nhận?
Nói chuyện với PV, bà Ly cho hay, vì gánh nặng mưu sinh khiến bà không thể cho cháu mình có được một Tết Thiếu nhi trọn vẹn, đúng nghĩa. “Bé Vy 10 tuổi, lớn nhất trong nhà nhưng nó cũng không biết ngày Tết Thiếu nhi. Vì sáng tối tôi đi làm, khóa chặt cửa để các cháu ở nhà trông nhau. Cũng do cuộc sống quá khốn khó thôi. Để các cháu bớt tủi thân trong những ngày này, tôi cũng hay đi xin những phần quà là bánh, kẹo, bim bim mang về cho các cháu. Thấy có quà, đôi mắt chúng sáng rực lên như nhận được điều gì vô giá, nghĩ tủi phận lắm”, bà Ly tâm sự.
Nghe thấy bà nói vậy, Vy kéo tay bà hỏi “Bà ơi, Tết Thiếu nhi là ngày gì?”, bà Ly đôi mắt đỏ hoe, giải thích qua loa về ý nghĩa của ngày Quốc tế Thiếu nhi. Nói xong, Vy tiếp tục thắc mắc, những câu hỏi trong sáng của cô bé 10 tuổi chưa một lần đến trường và sự ngây thơ của 2 đứa cháu, một đứa 7 tuổi bị down không biết nói, đứa nhỏ nhất tên Sam Bô, được 2 tuổi rưỡi khiến bà Ly nghẹn ngào không thể tiếp tục giải thích được nữa.
Bà bảo: “Ngày của mấy đứa nhỏ, tôi cũng muốn đưa các cháu ra ngoài đi công viên như những em nhỏ cùng trang lứa, nhưng vì hoàn cảnh, tôi đành phải để các cháu ở nhà đi kiếm tiền. Các cháu chưa bao giờ được tổ chức sinh nhật nên ngày Tết Thiếu nhi các cháu cũng không dám mơ. Nhưng năm nay sẽ khác, tôi sẽ mua quà, bánh cho các cháu, có thời gian sẽ đưa các cháu ra khỏi cánh cổng sắt để hướng ánh nhìn về phía mặt trời. Tôi vẫn sẽ làm công việc như mọi năm là xin thêm gói bim bim, gói kẹo về cho các cháu”.
Người bà khốn khổ
Bà Nguyễn Thị Ly nhiều năm một mình “đóng hai vai” vừa là bà nhưng cũng trở thành người mẹ của ba đứa trẻ. Khi hỏi về nhiệm vụ “bất đắc dĩ” mà bà đang gánh trên vai, bà Ly cố gạt đi những giọt nước mắt và nói: “Nhiều người cũng hỏi, đôi khi tôi không muốn nhắc đến vì xấu hổ lắm. Bao năm qua một mình tôi nuôi ba đứa, bố mẹ chúng không biết đi đâu, cuộc sống không ổn định và tôi cũng không biết chúng làm gì. Trong 3 đứa có cháu bị down là cháu ngoại thôi. Còn Khánh Vy và đứa út là chắt ngoại của tôi”.
Các con, cháu mình đi đâu bà không hay biết, bố của những đứa trẻ là ai bà cũng chưa một lần nhìn thấy mặt, nhắc đến cái tên vì không có hôn thú. Con và cháu bà sinh những đứa trẻ này ra xong để lại cho bà nuôi nấng, một vài tháng mới có những cuộc điện thoại về hỏi thăm, nhưng cũng qua loa xem tình hình sức khỏe, ăn uống của bọn trẻ ra sao. Khi điện thoại tắt máy, bà Ly cố liên lạc lại để mong các cháu, chắt mình được gặp mẹ, được mẹ chăm sóc như bao đứa trẻ khác nhưng bà không thể liên lạc được nữa. Từ đó, bà cũng không hy vọng hay đặt niềm tin rằng: Các cháu bà sẽ có mẹ.
Bà Ly nhớ lại: “Vài tháng tuổi những đứa trẻ này đã ở bên cạnh tôi, được tôi chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Có lần, mẹ của Sam Bô gọi điện nhờ cậy tôi chăm sóc thằng bé, tôi viện lý do về quê không thể trông chừng thêm được nữa vì có mình tôi xoay làm sao được với 3 đứa trẻ. Vậy mà, nó vẫn gan lỳ mang thằng bé đến gửi nhờ hàng xóm. Đến tối tôi đi làm về thấy hàng xóm bế thằng bé sang nói mẹ nó gửi nhờ. Tôi chỉ bật khóc, vì thương thằng bé, giờ tôi bỏ nó, ai sẽ nuôi. Vậy là tôi một nách trông ba “đứa con” tội nghiệp. Chỉ mong mẹ chúng nó suy nghĩ lại về nhà để bù đắp tình yêu thương cho chúng”.
Nói đến đây, bà Ly gạt đi giọt nước mắt, bà bảo, bà chỉ khóc lần này nữa thôi. Vì, dù mẹ chúng có trở về hay không, bà cũng sẽ cố gắng nuôi dạy con các cháu mình nên người. Những tia sáng của hy vọng bắt đầu rọi vào số phận, khi bé Vy chuẩn bị được đến trường sau nhiều năm chờ đợi. Hai bé còn lại cũng có tên.
“Đây có lẽ là điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời bà cháu tôi. Sam Bô sắp được đi học mầm non, còn Vân sẽ được vào trung tâm Bảo trợ xã hội. Đúng như niềm tin mà tôi đã đặt “cuộc sống này không ai bị bỏ lại phía sau”. Biết sắp được đến trường Vy vui lắm, ngày nào cháu cũng đi ra đi vào và chờ đến năm học mới. Các cháu cười nhiều hơn, vui vẻ hơn và có ước mơ về những ngày vui phía trước với bạn bè, thầy cô. Lòng tôi cũng nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau của số phận và sự hẩm hiu của mình cũng như các cháu”, bà Ly bày tỏ.
Mai Thu - Bá Di