Vậy là ngay sáng hôm sau, tôi hối hả leo lên một chiếc ca nô, trong lòng háo hức muốn nhanh chóng gặp gỡ những con người tuy chưa biết mặt đang sống trong xóm chài làng Việt lênh đênh, nơi đất khách quê người.
Xóm nhỏ người Việt trên Biển Hồ
Làng Việt lênh đênh trên Biển Hồ
Đi ngược ca nô của đoàn chúng tôi là những em bé đang bơi thuyền trên Biển Hồ. Khoảng vài chục thuyền nhỏ đang lao nhanh ngược sóng. Hướng dẫn viên nói đó là các em người Việt đến lớp học. Lát sau, ca nô vượt qua một con lạch dẫn ra mặt hồ đã thấy hai ngôi nhà nổi trên xà lan khá rộng rãi, người dẫn đoàn chỉ tay nói: "Đó là những lớp học!”...
Một số em đang buộc thuyền vào cột nhà rồi theo bậc thang bước lên lớp. Có em còn sợ ướt nên cất áo vào cặp, cứ thế mặc quần đùi, cởi trần, chèo thuyền vội vàng đến trường. Sau khi đến nơi mới mặc áo dài để vào lớp học. Mỗi thuyền vào ba em đi chung, mặt đứa nào cũng mướt mồ hôi. Chúng đen nhẻm nhưng rất hoạt bát, vui vẻ như đi chợ tết vậy. Nhưng không hiểu sao trong lòng tôi bỗng thấy bâng khuâng khi được đọc những chữ tiếng Việt xen lẫn tiếng Campuchia.
Ca nô vượt khỏi lạch vào mặt hồ mênh mang. Trước mặt chúng tôi hiện ra một dãy nhà nổi kết với nhau như dãy phố ở trên mặt hồ. Người ta gọi đó là Làng Việt Nam. Tất cả những ngôi nhà đều làm bằng những vật liệu nhẹ dễ nổi trên mặt nước. Đây đó là những cửa hàng bán đủ mọi thứ như ở trên bờ. Nào giải khát, karaoke, rồi đặc sản và hàng tạp hóa tiêu dùng. Còn có cả cửa hàng bán xăng dầu và gỗ nữa chứ. Ca nô của đoàn chúng tôi sáp vô một cửa hàng giải khát và bán đồ lưu niệm. Xem ra đây là một cửa hàng nổi vào loại to và bề thế nhất ở tách hẳn phía ngoài.
Bà chủ nhà tên là Lân nhanh nhẹn bước ra chào hỏi rồi cứ luôn mồm nói: "Xin mời! Xin mời quý khách!”. Chúng tôi vừa bước lên thềm nhà thì thật ngạc nhiên khi thấy những em bé túa ra từ ngôi làng nổi rồi hối hả bơi tới. Mỗi em ngồi trên một cái thuyền thúng thi nhau gào lên: "Cháu là người Việt đây!Các cô các chú ơi! Cho cháu xin tiền!”. Các em còn bé lắm, chắc chỉ độ 5-6 tuổi gì đó, đứa nào đứa nấy đen quắt, mặt đỏ ngầu dính nước hồ. Người này cho tiền, người kia cho tiền, toàn đồng ria lẻ. Dù chỉ khoảng vài nghìn đồng tiền Việt cũng làm chúng sung sướng.
Bà Lân kể đã sang đây ở từ bé. Sinh con đẻ cái cả thảy gia đình bà có vài chục con cháu đều sống ở trên hồ này và cũng đều chẳng có giấy tờ nào bảo đảm. Khi hỏi về sự quản lý của chính quyền thì bà nói: "Họ không đuổi, nhưng cũng không cấp cho giấy phép cư trú. Cứ ở, cứ làm ăn. Không quậy phá là được. Tất cả tự do lênh đênh và tự lo thân, chẳng hề ai đoái hoài. Nhiều gia đình ở đây mấy đời và hàng chục năm sinh sống trên mặt hồ. Buôn bán, đánh cá và chơi bạc, miễn sao ra tiền để mua gạo mua thịt.”
Bất ngờ đâu đó văng vẳng tiếng chuông nhà thờ. Tôi ngạc nhiên nhìn về phía xa, đó là một nhà thờ thật sự trên hồ. Thì ra hôm nay là ngày chủ nhật, những người theo đạo vẫn chèo thuyền đi lễ và cầu nguyện. Ngôi nhà thờ di động bằng gỗ rộng tới vài trăm mét vuông, được dựng trên những chếc thùng phuy nhựa. Người chủ ca nô còn cho biết, trên bè thùng phuy này người Việt mình còn dựng thêm một ngôi nhà dùng vào việc lớn cho làng chài như tổ chức đình đám mỗi khi nhà ai đó có việc, cần có sự chia sẻ của cộng đồng. Đang nói chuyện ông bất ngờ im lặng một lúc rồi nghẹn ngào nói: "Nhưng mọi gia đình trên Biển Hồ này, khi có người mất chẳng biết chôn cất ở đâu...”
Xóm Cầu Sài Gòn ở Phnom Penh
Hai hôm sau, trở về thủ đô Phnom Penh, tôi mới hay người Việt mình còn có một khu dân cư sống ở ven sông Basac, một nhánh tách ra từ dòng Mê-Kông. Con cầu vượt sông có tên bản địa là Chba or Pau, nhưng vì cứ đi thẳng con đường qua cây cầu này là về được TP Hồ Chí Minh, nên những người Việt sinh sống ở đây lâu năm đã gọi tên là cầu Sài Gòn để cho đỡ nhớ quê hương.
Tuổi thơ lênh đênh trên Biển Hồ
Theo lời hẹn, Thành-một người thanh niên quê ở Tây Ninh đến khách sạn đưa tôi đi chơi xóm người Việt. Chúng tôi thuê xe ôm để thám hiểm những con hẻm móc nối chữ thập như bàn cờ chạy ra mặt sông. Tất cả đều là những ngôi nhà mái tôn vách lá, vách nứa, tre pheo và thấp lè tè nằm phờ phạc bên những con đường gập gềnh bẩn thỉu. Trẻ con chạy la lối bụi mù xóm. Nhiều quán cóc đúng kiểu người Việt bán vặt. Một chị tên Hương giải thích vì sao nhà tối: "Riết rồi quen, khi nào cần sáng thì bật điện”. Hỏi về ti vi thì chị nói: "Xem ké!”. Hỏi về nước chị nói tưng tửng: "Chỉ vài chậu đủ tắm rửa, nấu ăn thôi”. Hỏi về quê, chị bùi ngùi: "Tân Châu (An Giang)”. Trả lời rồi chị ứa nước mắt.
Thành cho biết, đa số người Việt ở xóm cầu này đều phải thuê nhà. Bảng giá chủ nhà người Camphuchia quy định rồi. Cứ mỗi buồng là 150.000 ria (khoảng 16m2 đủ cho 4 người, gồm cả ăn nghỉ, vệ sinh trọn gói). Xóm này hình thành khoảng vài chục năm gần đây. Hiện có khoảng hơn 2000 người tụ lại thành xóm. Và cũng chẳng gia đình nào có hộ khẩu. Kẻ đến người đi tự do miễn sao đừng gây rối. Anh Hồng, một cư dân ở đây nói: "ở đây làm ăn dễ ợt. Hổng thấy ông cán bộ thuế nào đến!”.
Một số người mon men vào thành phố bán dạo bằng xe hàng hoặc buôn bán hoa quả còn chủ yếu bám lấy ngõ xóm Cầu Sài Gòn để kiếm ăn. Riêng đàn ông thì chạy xe ôm là chính. Mà cũng lạ, ở Phnom Penh rất ít taxi, nên cánh chạy xe ôm rất dễ kiếm tiền. Nhưng để kiếm được tiền bằng nghề này không dễ. Chuyện thanh toán nhau theo kiểu xã hội đen xảy ra như cơm bữa, dân Việt mình thường bị chèn ép, lơ mơ là bị chém, hay bị đánh dằn mặt không nương tay.
Bất ngờ một đám trẻ nhỏ chân đất chạy ùa ra từ một ngách nhỏ đâm sầm vào chúng tôi. Trong tay đứa nào cũng vung lên một thanh kiếm gỗ hay que nhọn để truy đuổi nhau. Chúng cười hồn nhiên, lao vào trò chơi bạo lực, đấu kiếm hay vật nhau và chẳng để tranh giành điều gì. Tôi hỏi một ông già bên đường về chuyện học hành của bọn trẻ, ông chỉ mím môi im lặng. Tôi nhìn đôi mắt người già như ẩn chứa bao điều không thể dễ nói ra. Lát sau ông mới bật ra một câu: "Học để làm gì? Mà ai dạy cho chúng”.
Thật đáng buồn khi có tới vài vạn người dân mình nghèo ở đây, lênh đênh trên Biển Hồ hay trên bờ sông gần Phnom Penh. Phần lớn họ đều không có giấy tờ tùy thân và không được lên bờ sinh sống, chứ chưa nói là có một miếng đất cắm dùi để an ủi lúc đau yếu, về già. Và ngay nếu gia đình nào có chút tiền cũng chỉ mua nổi miếng đất nhỏ chỗ trũng ven hồ để đắp mộ. Nếu chẳng may vào mùa nước lên, cứ tháng 5 đến tháng 10, hay mưa giông gió giật, mồ mả có thể bị vỡ ra trôi nổi trên hồ chẳng biết đấy là đâu mà tìm lại.
Hải Linh