Nguyễn Ngọc Đ. (học sinh trường THCS Ngô Văn Sở - TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) bị bố mẹ dùng giày cao gót, chày đập cá đánh vào ngày 22/10, khiến em bị đa chấn thương phần mềm phải nhập viện và hoảng loạn tâm lý, câu chuyện ấy đã khiến không chỉ những người trong gia đình của Đ. búc xúc mà còn khiến dư luận xã hội bất bình.
Bởi lẽ, bản thân Đ. không phải là một đứa trẻ hư hỏng, thậm chí còn là học sinh giỏi của trường, của tỉnh.
Anh Nguyễn Ngọc Th. và chị Nguyễn Thị D. hiện đang sống tại đường Lê Thị Hồng Gấm, TP. Lào Cai là bố đẻ và mẹ kế của Đ.
Chiều 28/10, chia sẻ với PV, Đ. nói sức khỏe của em đã khá hơn rất nhiều, tâm lý cũng ổn định hơn và em không còn những đêm mất ngủ vì nỗi sợ hãi do những trận đòn roi kia để lại.
Kể lại câu chuyện xảy ra với mình, Đ. bảo rằng, hôm đó là ngày cuối tuần, Đ. sang nhà ông bà ngoại chơi nhưng không xin phép bố mẹ nên tối về nhà bị mẹ dùng giày đánh và còn bị bắt phạt đứng bên ngoài nhà từ 10 rưỡi tối hôm trước tới 5h sáng ngày hôm sau. Tối về bố thì dùng chày đập cá đánh Đ.
“Lúc mẹ mới bắt đứng bên ngoài em có xin mẹ cho vào nhà nhưng sau đó mẹ vẫn đóng cửa vào trong đi ngủ, em cũng thôi không xin nữa. Cũng may hôm đó trời không lạnh.
Hôm thứ 2 đi học, em bị đau hết hai chân và ngất tại lớp. Giờ em vẫn sợ bố, sợ mẹ nhưng sợ mẹ nhiều hơn.
Cũng nhiều lần mẹ bắt phạt em đứng ở ngoài nhưng đây là lần bị phạt lâu nhất”, giọng nhỏ nhẹ, Đ. nhớ lại.
Khi được hỏi về bố mẹ của Đ., anh Hưng – cậu ruột của Đ. càng thêm bức xúc. Anh Hưng cho biết, từ lúc Đ. được ông bà đón về và cho vào viện kiểm tra sức khỏe tới nay, hai người đó chưa có một cuộc điện thoại hỏi han con chứ nói gì tới việc tới thăm.
“Chính điều đó càng khiến tôi vừa đau vừa tức và muốn làm rõ sự việc. Họ là bố mẹ của nó mà sự sống chết của con mình họ cũng chẳng quan tâm gì thì liệu có xứng đáng làm bố mẹ hay không?”, anh Hưng đặt ra câu hỏi.
Cũng theo anh Hưng, sự việc của gia đình anh đang được công an TP. Lào Cai thụ lý và xử lý. Công an thành phố cũng đã mời Đ. lên trụ sở, chiều 28/10, gia đình sẽ đưa Đ. lên công an để làm việc.
Hiện tại, mẹ ruột của Đ. đang đi lao động ở nước ngoài và gia đình giấu không cho biết tin vì sợ ảnh hưởng tới tinh thần cũng như công việc của chị.
“Ai gây ra tội người ấy phải chịu. Bản thân tôi làm bố tôi cũng hiểu, anh rể tôi đi làm Nhà nước, tối về nhà mệt mỏi lại được vợ phàn nàn về chuyện con cái thì dễ dẫn tới việc đánh con vài ba cái.
Nhưng tôi giận anh ấy một điều, trước cơ quan điều tra, anh ấy đã nhận hết tội lỗi về mình”, anh Hưng bức xúc.
Anh Hưng cũng chia sẻ thêm, bản thân anh cũng hỏi ý kiến bà nội của Đ. và được bà cho biết, anh Th. và chị D. dẫu gì cũng là con trai, con dâu của bà. Bà giao toàn quyền cho anh Hưng giải quyết sự việc này và nhờ sự can thiệp của pháp luật.
“Dù anh rể có nhận hết lỗi về mình nhưng thằng bé lớn rồi nó biết chuyện, nó biết ai đánh nó như thế nào và tôi cũng hiểu, pháp luật sẽ nghe ai nói”, anh Hưng cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho hay, việc cháu bé mới 12, 13 tuổi đã phải chịu sự đánh đập của cha mẹ đến mức vào bệnh viện có thể xem hành vi này đã gây ra “bóng ma tâm lý”, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.
“Qua đây các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, trẻ em đặc biệt là trẻ ở độ 12 - 16 tuổi là lứa tuổi có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý, nếu như hình dáng vẻ bên ngoài trẻ giống như người lớn thì về mặt tâm lý xã hội trẻ vẫn còn rất trẻ con, những hành vi của các cháu trong giai đoạn này vẫn còn bồng bột.
Lúc này, sự gần gũi, bảo ban của cha mẹ, những buổi trò chuyện với con là rất cần thiết; đối với những lỗi lầm của trẻ không nên dùng roi vọt vì trẻ sẽ gây tổn thương về tâm lý cho trẻ, dễ dẫn tới trẻ có những suy nghĩ tiêu cực. Việc cha mẹ gần gũi, làm bạn với con… sẽ giúp trẻ nhận ra được điều đúng và chưa đúng trong hành vi của mình, giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này và trưởng thành lành mạnh”, luật sư Hòe nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ