Theo hồ sơ vụ án, ngày 18.3.2018, anh Nguyễn Ngọc Dũng điều khiển xe khách lưu thông theo hướng từ Gia Lai - Đắk Lắk. Khi đi qua TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk, anh Dũng thấy cháu Trương Minh Huy (2 tuổi) vừa khóc vừa chạy ra giữa đường mà không có người lớn đi cùng, nên anh Dũng dừng xe, bảo phụ xe xuống bế cháu bé vào lề đường. Phụ xe hỏi vài người xung quanh “Con ai đây?”. Tuy nhiên, mọi người đều lắc đầu không biết. Thấy vậy, anh Dũng bảo phụ xe bế cháu nhỏ lên xe và tiếp tục vừa điều khiển xe, vừa dỗ cho cháu ngủ. Sau đó, được tin báo, tổ công tác của Trạm CSGT Krông Búk đã bố trí lực lượng chốt chặn. Ngay trong đêm 18.3.2018, anh Dũng, phụ xe và hơn 10 hành khách đi cùng được đưa về trụ sở Công an TX.Buôn Hồ để lấy lời khai, làm rõ về hành vi “ giữ người trái pháp luật”.
Sau nhiều lần kháng cáo kêu oan, mức án cuối cùng mà Tòa tuyên đối với anh Dũng từ 2 năm xuống còn 15 tháng tù. Tài xế Dũng đã bị truy tố về tội “giữ người trái pháp luật”, dù cho bị cáo đã nhận được sự làm chứng của các hành khách trên xe và đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự của mẹ cháu bé, nhưng bản án vẫn được đưa ra - thế mới thấy những bản án của những người đang “cầm cương, nảy mực” pháp luật, không phải lúc nào cũng theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, cũng đưa đến sự thừa nhận của những người yêu lẽ phải.
Câu chuyện này càng khoét sâu hơn những lo ngại về tính bảo đảm công bằng của pháp luật Việt Nam, khiến người dân thực sự hoài nghi về “lẽ công bằng” mà pháp luật hướng đến.
Thông tin do Liên đoàn luật sư Việt Nam cung cấp cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thì chỉ trong 3 năm, tính từ 1/10/2011 đến ngày 30/9/2014, đã có 82 vụ án có dấu hiệu oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự… Trong lịch sử tố tụng Việt Nam, rất nhiều vụ án oan sai có thể kể đến như: vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên án 10 năm, vụ án “vườn điều” của ông Huỳnh Văn Nén, vụ án ông Trần Văn Thêm - người đã mang thân phận” tử tù” trong suốt hơn 40 năm…
Để pháp luật không phải là “thứ ở trên trời mà cuộc đời ở dưới đất”, thì pháp luật pshải đi cùng với tình người, đi cùng với đạo lý đối nhân xử thế. Thứ pháp luật xa rời thực tế, khô cứng chỉ gây nên những vụ án oan sai và làm mất niềm tin của nhân dân vào lẽ phải. Trong vụ án của anh Nguyễn Ngọc Dũng, liệu những người đang thực thi pháp luật có đang gây khó khăn cho những “Lục Vân Tiên”?
Bản án tù mà TAND Thị xã Buôn Hồ tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk tại phiên phúc thẩm - dành cho tài xế Nguyễn Ngọc Dũng cũng là “bài học” chua xót chung cho tất cả chúng ta: không phải mọi sự cứu giúp trong cơn hoạn nạn cũng đều được nhìn nhận xứng đáng, mà trước khi cứu người chúng ta cần phải “cứu”chính mình(!).
Thomas Fuller – nhà sử học người Anh, đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”. Vậy mà các vị thẩm phán của TAND Thị xã Buôn Hồ & TAND tỉnh Đắk Lắk – không hề nghe thấy và nhìn thấy trong các phiên tòa xử bị cáo Dũng?
Vũ Thủy