Ngày 29/11, tại Hà Nội, trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội nghị thường niên 2017 với chủ đề: Báo chí với Phát triển bền vững.
Đây là hội nghị thường niên lần thứ III do RED phối hợp với bộ Các vấn đề toàn cầu của Chính phủ Canada (GAC) và UNESCO tổ chức. Hội nghị lần này tập trung vào vấn đề sự an toàn của nhà báo và bảo vệ tác nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tổng quan từ bảo vệ tác nghiệp đến an toàn nhà báo giai đoạn 2010-2020. Thống kê và đánh giá những vụ việc cản trở tác nghiệp báo chí năm 2017...
Theo ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED cho biết: “Xu hướng cản trở tác nghiệp trong năm tuy giảm về số vụ việc (12 vụ việc được phát hiện, năm 2016 là 36 vụ) nhưng vẫn diễn ra phổ biến trong bối cảnh Luật báo chí 2016 có hiệu lực. Chỉ có 1 vụ việc cản trở nhóm phóng viên VTV trong tác nghiệp được khởi tố theo quy định của Luật hình sự với tội danh Cản trở người thi hành công vụ...”.
Ông Minh cho hay, các thống kê cũng chỉ ra mức độ giảm số vụ việc xử lý xâm phạm an toàn tác nghiệp của nhà báo từ các cơ quan thanh tra chuyên ngành theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Các vụ việc chỉ được nạn nhân báo đến cơ quan bảo vệ pháp luật và phần lớn được giải quyết theo phương pháp “hòa giải trên cơ sở thỏa thuận” giữa các bên có liên quan.
Tại hội nghị, ông Minh cho biết thêm về báo cáo tổng quan từ bảo vệ tác nghiệp đến an toàn nhà báo năm 2010-2020. Theo đó, quá trình theo dõi và can thiệp đối với hành vi cản trở tác nghiệp báo chí được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn từ 2010 đến 2015: Nổi bật với các hoạt động nghiên cứu, truyền thông nhận thức về các quyền hợp pháp của nhà báo, vận động chính sách, thúc đẩy thực thi pháp luật đối với hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo.
Giai đoạn 2015-2017: RED tiếp tục theo dõi và điều phối mạng lưới thực thi bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí hợp pháp, nghiên cứu những hình thức cản trở mới, trong đó có nguyên nhân dẫn đến hành vi cản trở là do lỗi chủ quan của nhà báo. Giai đoạn này, RED phối hợp với UNESCO trong trao đổi nhận thức và kết nối các chỉ số an toàn nhà báo, cập nhật các nhận thức mới về an toàn nhà báo (Safety of Journalist – SOJ) gồm: An toàn dữ liệu, an toàn tâm lý và an toàn tác nghiệp.
Và giai đoạn 2018 đến 2020: RED lập kế hoạch khởi đầu những nghiên cứu, thống kê hành vi liên quan đến an toàn nhà báo theo các nhận thức mới.