Trong khi các diễn đàn, mạng xã hội đang sôi nổi bàn luận Tết về với gia đình hay đi du lịch thì gia đình anh Trương Trung Chính làm nghề kinh doanh đèn trang trí tại Hà Nội lại không còn lăn tăn chuyện chọn gì. Thời điểm này, gia đình anh đang khá bận rộn với kế hoạch du lịch vào những ngày nghỉ Tết của cả nhà ở xứ sở Triệu Voi. Đây đã là năm thứ ba, vợ chồng anh Chính và các con chọn chơi Tết thay vì ăn Tết như số đông người Việt Nam.
Lý do gia đình anh chọn du lịch dịp Tết vì đây là kỳ nghỉ dài nhất. Với vợ chồng anh, Tết chỉ có ý nghĩa vào những ngày cận Tết, hết ngày mùng 1, từ mùng 2 trở đi là hết Tết. “Nhật ký” Tết năm 2016 từ mùng 1 đến mùng 5 của cả nhà anh được đánh dấu bằng trải nghiệm Tết ở Vũng Tàu. Dù là năm đầu tiên chọn đi du lịch vào dịp Tết nhưng đó lại là trải nghiệm không nhiều dư âm thú vị.
Anh Chính chia sẻ: “Du lịch trong nước vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình mình lại có dư âm không tốt lắm vì dịch vụ bình thường nhưng giá cả lại vô cùng đắt đỏ. Vì thế, năm 2017 và năm nay, cả nhà mình quyết định chọn đi du lịch vào dịp Tết ở nước ngoài”.
Năm ngoái, gia đình anh đã đón Tết tại Thái Lan và năm nay là ở nước bạn Lào. Đặc biệt với vốn ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Nhật, vợ chồng anh hoàn toàn tự tổ chức chuyến du lịch ở các nước Đông Nam Á. Theo kinh nghiệm của anh Chính, điều quan trọng nhất với những tín đồ tự đi du lịch nước ngoài vào dịp Tết là chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan trước Tết ít nhất 10 ngày. Vé máy bay là thứ dễ nhất có thể chuẩn bị đầu tiên vì căn được thời điểm đi để săn được vé rẻ nhất có thể. Một điểm quan trọng không kém là dự trù kinh phí, đổi tiền đô và một ít tiền của nước mà bạn sẽ tới. Ngoài hành trang là ngoại ngữ, tiền tiêu, gia đình anh Chính còn chuẩn bị sẵn thuốc men cho hai cháu bé trong đó một bé vẫn còn phải địu.
Nói về quan điểm của nhiều người, Tết là phải sum vầy quây quần với bố mẹ, họ hàng người thân, anh Chính cho rằng: “Quan niệm này là do lịch sử. Thời xưa các cụ không có gì liên lạc với người thân ở phương xa còn bây giờ mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Người thân có thể liên lạc, gặp nhau qua mọi phương tiện, mọi ứng dụng nên không nhất thiết Tết là phải tụ họp ăn uống 5, 7 ngày”.
Mỗi dịp Tết đến, dù muốn trải nghiệm ở một đất nước mới nhưng anh Chính vẫn cố gắng cho các con anh đón thời khắc giao thừa cùng ông bà nội để chúng có nhiều kỷ niệm tuổi thơ với ông bà. Mùng 2 là cả nhà anh xách ba lô lên để đi du lịch.
Không có nhiều việc phải làm trước khi đi du lịch vào dịp Tết như anh Chính, chị Lê Minh Hạnh, nhân viên văn phòng (26 tuổi, Hà Nội) được mẹ ủng hộ và là “đồng minh” với ý tưởng đi du lịch vào dịp Tết. Với chị Hạnh, 26 tuổi, chưa lập gia đình, đi du lịch Tết không phải cơ hội để trốn họ hàng “truy” chuyện chồng con mà đó là dịp cả nhà được hoàn toàn dành thời gian cho nhau. “Quan điểm của mình là Tết ở bên gia đình. Mình không đồng tình với việc Tết bỏ bố mẹ đi du lịch một mình nhưng nếu cả nhà đi du lịch thì tại sao không. Năm ngoái, cả nhà mình đã có kỳ nghỉ Tết ở Hồng Kông. Chuyện Tết đi du lịch hay ở nhà với gia đình là tùy hoàn cảnh mỗi nhà. Nhưng dần dà, mình nghĩ khoản ăn uống, say sưa, rượu chè chúc tụng triền miên mấy ngày Tết cũng cần thay đổi. Đừng để nhiều phụ nữ sợ Tết”, chị Hạnh tâm sự.