Tại hội thảo, ông Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam nhận định, sự chuyển đổi sang mô hình phát triển dự án căn hộ một cách bền vững hơn, tức là xu hướng chuyển dịch lớn tới các căn hộ dành cho người thu nhập trung bình và thấp, hay nhà ở xã hội. Đây là phân khúc có nhu cầu thực về căn hộ. Các căn hộ nhỏ và siêu nhỏ đặc biệt ở trung tâm thành phố cũng là xu hướng và chiến lược gia tăng giá trị bất động sản (BĐS).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng, lựa chọn vị trí là yếu tố hàng đầu quyết định giá trị gia tăng của BĐS. Ông Châu dẫn ví dụ, ông Donald Trump từng nói: Cho tôi một bất động sản hạng ba, tôi sẽ đầu tư để biến thành bất động sản hạng nhất. Các nhà phát triển bất động sản tầm cỡ thế giới đã nêu ra tầm nhìn "điểm đến mới (New Destination)" cho rằng cần phát triển các dự án bất động sản khác biệt, giao thông tiện lợi, tích hợp rất nhiều tiện ích, dịch vụ, kể cả du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... để thu hút mọi người đến tận hưởng, tiêu tiền, làm ăn như mô hình thành phố Las Vegas, bang Nevada Hoa Kỳ. Do vậy, lựa chọn vị trí bất động sản là yếu tố hàng đầu quyết định giá trị gia tăng của bất động sản.
"Ở nước ta, cần quan tâm các dự án BĐS được kết nối giao thông thuận tiện, xung quanh các ga Metro, trong các khu đô thị mới, trong các dự án chỉnh trang đô thị, trong các khu vực ngoại ô đón đầu các dự án đô thị vệ tinh...", Chủ tịch HoREA khẳng định.
Tiếp đến là chiến lược phát triển BĐS xanh, thân thiện môi trường: Sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng điện, nước, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng khu nhà - tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, an toàn phòng cháy chữa cháy đạt chuẩn Leed (Hoa Kỳ), Edge (IFC), Green Mark (Singapore), Lotus (Việt Nam)... giúp gia tăng giá trị của BĐS.
Và các mô hình kinh doanh mới như đầu tư hệ sinh thái khởi nghiệp; văn phòng chia sẻ (Co-Working Space); chia sẻ phòng thuê (Airbnb)... cũng làm gia tăng giá trị BĐS. Ngoài ra, đầu tư xây dựng BĐS đạt chuẩn quốc tế và tham gia "chuỗi" của các thương hiệu quản lý có uy tín để đảm bảo khai thác, kinh doanh hiệu quả cũng là yếu tố tăng giá trị BĐS của doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực BĐS, ông Nguyễn Đỗ Dzũng - Giám đốc Điều hành EnCity (Singapo) cho rằng, đối với việc phát triển đô thị mới gồm bốn thách thức lớn: Thu hút cư dân và xây dựng một cộng đồng sống tốt; thu hẹp khoảng cách với thành phố trung tâm; đa dạng hoạt động kinh tế; linh hoạt với các biến động và Xây dựng mô hình vận hành. “Trả lời được các thách thức này đối với việc xây dựng một khu đô thị, dự án BĐS chính là chìa khóa giúp gia tăng giá trị của dự án theo thời gian, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”, ông Dzũng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Schneider Electric tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar Yoon Young Kim cho biết, ngoài vấn đề về “liên kết vùng” thì việc áp dụng “công nghệ số” sẽ góp phần tích cực vào việc gia tăng giá trị cho sản phẩm BĐS. Những căn hộ thông minh được tích hợp các tiện ích của công nghệ số thông qua mạng internet nối với các thiết bị như máy tính bảng, smartphone... sẽ giúp cho chủ sở hữu dễ dàng hơn trong việc quản lý và sử dụng căn nhà của mình. Vì vậy, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã tập trung khai thác dòng sản phẩm căn hộ thông minh như một xu thế tất yếu của thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, đối với thị trường BĐS, yếu tố quan trọng nhất là sự cân bằng giữa cung - cầu. Về phía cầu, Việt Nam có quy mô dân số khoảng 96 triệu dân, trong thời gian tới sẽ tăng lên mức 120 triệu, mỗi năm tăng dân số khoảng 1 triệu người. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang ở mức trên 35% năm 2017 (bình quân tăng khoảng 0,8%/năm). Trong khi đó, xu thế hộ gia đình có quy mô nhỏ từ 2 - 4 người ngày càng nhiều chiếm tới 65% trong tổng số 25,5 triệu hộ gia đình vào đầu năm 2018. “Đây là nguồn cầu về nhà ở rất lớn cho thị trường bất động sản” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, bên cạnh vấn đề nguồn cầu lớn, thị trường BĐS trong thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực, làm thay đổi diện mạo các đô thị và nâng cao đời sống cho người dân. Cả nước hiện có 2,1 tỷ m2 nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,7m2 vào tháng 6/2018, thị trường BĐS cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân.
Để đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển ổn định, một yếu tố đặc biệt quan trọng, theo ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước cần liên tục hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách, phù hợp hơn, hữu hiệu hơn và có tính kiến tạo hơn. Để đạt được điều này, cần có sự “chung vai sát cánh” của cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển dự án BĐS; thường xuyên chia sẻ thông tin, chia sẻ tầm nhìn, tổng kết các vấn đề thực tiễn là phương thức tốt nhất để đạt tới một nền quản trị tốt hơn.
T.Thắng