Xu hướng sau đại dịch và lộ trình để du lịch Việt Nam trở lại "thời hoàng kim"

Xu hướng sau đại dịch và lộ trình để du lịch Việt Nam trở lại "thời hoàng kim"

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 7, 25/12/2021 18:00

Du lịch thời gian tới sẽ triển khai 2 giai đoạn, đó là mở lại du lịch nội địa, du lịch quốc tế, sau đó phục hồi và phát triển đạt mức trước dịch Covid-19.

Kinh tế vĩ mô - Xu hướng sau đại dịch và lộ trình để du lịch Việt Nam trở lại 'thời hoàng kim'

Dự báo những xu hướng và giải pháp thích ứng

Tại Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” tổ chức tại Nghệ An, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong suốt 4 đợt bùng phát của dịch Covid-19, các hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Trong khi đó, du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng.

Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kì năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Năm 2021, với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước đã khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh, thành trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh tế vĩ mô - Xu hướng sau đại dịch và lộ trình để du lịch Việt Nam trở lại 'thời hoàng kim' (Hình 2).

Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo du lịch 2021.

“Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người”, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán như: Xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực…

Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, một số vấn đề đặt ra để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới được xác định.

Cụ thể như: Vấn đề kiểm soát dịch bệnh; Vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp khi trải qua liên tiếp các đợt dịch kéo dài; Vấn đề nhân lực du lịch; Vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách; Vấn đề chất lượng sản phẩm, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch…

“Du lịch đang đứng trước những thách thức có tính lịch sử trong tiến trình phát triển của mình. Nếu có được các cơ chế, chính sách đủ sức đột phá, quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, có thể biến nguy thành cơ, tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch sẽ có cơ hội giải quyết căn cơ các vấn đề lâu nay nảy sinh trong quá trình phát triển, đem lại những thay đổi căn bản, toàn diện, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - Xu hướng sau đại dịch và lộ trình để du lịch Việt Nam trở lại 'thời hoàng kim' (Hình 3).

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu một số kiến nghị để du lịch sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Mục tiêu của ngành du lịch

Xuất phát từ quan điểm vừa nêu, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định 3 mục tiêu cơ bản.

Thứ nhất là từng bước mở lại hoạt động du lịch chắc chắn, ổn định và an toàn. Thứ hai là khơi thông, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện phục hồi thị trường du lịch. Thứ ba là nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu và tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch trong bối cảnh mới thông qua việc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành.

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu này, Thứ trưởng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam đã được bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành.

Bao gồm: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, cơ cấu lại thị trường khách du lịch; Củng cố, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch;…

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch.

Kinh tế vĩ mô - Xu hướng sau đại dịch và lộ trình để du lịch Việt Nam trở lại 'thời hoàng kim' (Hình 4).

Các đại biểu tham gia Hội thảo du lịch 2021

Về lộ trình thực hiện, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt dự kiến chia thành hai giai đoạn kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên.

Giai đoạn thứ nhất mở lại du lịch nội địa và du lịch quốc tế (từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022). Mở cửa và ổn định, bảo đảm an toàn điểm đến, thí điểm đón khách quốc tế trở lại, phục hồi hoạt động du lịch nội địa, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và chuẩn bị đầu tư công.

Giai đoạn thứ hai phục hồi và phát triển đạt mức trước dịch Covid-19 (từ nửa cuối năm 2022, có thể kéo dài 1 đến 2 năm): Hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư xã hội để tạo động lực tăng trưởng trung và dài hạn cho ngành.

Xem thêm: Gần 200 chuyên gia “hiến kế” phục hồi du lịch, vượt qua đại dịch Covid-19

 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.