Xử lý nghiêm, răn đe cán bộ tránh xa “vết xe đổ”
Trước sự việc có những cán bộ cao cấp tại các thành phố lớn bị xử lý hình sự vì vi phạm pháp luật, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, thời gian vừa qua, chúng ta thấy có rất nhiều vụ xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm. Điều này đang khẳng định việc xử lý sai phạm đang được thực hiện với tinh thần nhất quán: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù bất kỳ người đó là ai.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, qua cả nhiệm kỳ khoá XII và đặc biệt một số năm gần đây, chúng ta thấy rằng xử lý cán bộ có vi phạm là công cuộc thường xuyên, liên tục, rất quyết liệt. Phạm vi rất rộng, trong cả nước, từ trung ương tới địa phương, từ cán bộ cấp cao nếu có vi phạm đều bị xử lý.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm bị can, trong đó có các trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Qua đó nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.
Trong thời gian qua, chúng ta thấy rõ, việc giải quyết các vụ tham nhũng rất cam go nhưng đã được làm rõ đến đâu và đều được kết luận, xử lý đến đó. Ông Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng các cơ quan chức năng đã xét xử kịp thời, nghiêm minh các đại án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng, chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng.
“Phải kỷ luật chính đồng chí mình là điều không ai muốn, nhưng kỷ luật một vài người là để vừa giữ nghiêm kỷ cương phép nước, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, giáo dục, răn đe người khác tránh xa vết xe đổ của đồng chí mình”, ông Hà nói.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Thưởng đánh giá, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm; được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác này đã được nâng lên ở giai đoạn mới, cao hơn, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Điều đó được thể hiện rõ khi có vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã xảy ra từ nhiều năm trước đã được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, công tác xử lý cán bộ tham nhũng chỉ là bước đầu của công tác phòng chống tham nhũng nên cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Nhắc đến số lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật vừa qua, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: "Trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư đã nói, thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới”.
Lời nói của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí để làm trong sạch bộ máy của Đảng, ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đấu tranh phòng chống tham nhũng phải thực sự quyết liệt, nghiêm minh.
Nhận diện bản chất tham nhũng, nêu gương văn hóa từ chức
GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia thẳng thắn nêu quan điểm: “Vừa rồi, chúng ta phải xử lý nhiều cán bộ, trong đó có 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là hiện tượng đáng buồn, thật đau xót. Nhưng điều quan trọng, Đảng ta dám nhìn thẳng vào khuyết điểm và biết sửa chữa khuyết điểm, trong việc nhìn nhận một bộ phận cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, không đủ tiêu chuẩn. Cũng từ việc xử lý cán bộ vừa qua đã bộc lộ khâu sàng lọc cán bộ, mà sâu xa là khâu đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ lâu nay làm chưa thật tốt. Đó là khuyết điểm cần nhìn nhận rõ. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta kỷ luật một người để cứu muôn người”. Việc kỷ luật cán bộ góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, có tác dụng cảnh báo, răn đe rất cao, đồng thời chúng ta rút ra được nhiều bài học lớn trong lựa nhân sự.
Theo GS.TS Bùi Văn Nhơn, để công tác phòng chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn, chúng ta phải thực hiện đổi mới công tác cán bộ, rà soát và đánh giá một cách kỹ lưỡng để đội ngũ cán bộ không bị tha hóa, không bị lợi ích vật chất tầm thường mua chuộc. Do đó, Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, địa phương phải chọn cán bộ một cách đúng người, đúng việc, những người có đức, có tài. Muốn làm tốt được việc này thì chúng ta phải dựa vào nhân dân để lựa chọn, tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Bên cạnh việc xử lý cán bộ, GS.TS. Bùi Văn Nhơn cho rằng, nhận diện đúng biểu hiện, bản chất của tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, khắc phục và hạn chế tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, bởi nếu không sẽ làm hư hỏng cả đội ngũ cán bộ, tha hóa tổ chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng. Đồng thời nên phát động xây dựng văn hóa từ chức.
Cán bộ cấp cao cần gương mẫu, không những phải gương mẫu phê bình, tự phê bình mà mở ra để thực hiện văn hóa từ chức. Cụ thể, quy định trách nhiệm nêu gương yêu cầu cán bộ cấp cao phải dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm về mình, đừng đổ cho tập thể, khách quan. Phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không đủ năng lực, uy tín, sức khoẻ để đảm nhận công việc. Nếu thấy mình năng lực hạn chế thì xin từ chức để người có năng lực làm. Nếu thấy mình uy tín thấp thì xin từ chức để người khác uy tín hơn làm. Nếu thấy mình sức khoẻ không đảm bảo thì từ chức để người khỏe làm.
Trước đó, Người Đưa Tin Pháp Luật thông tin, ngày 25/11, Thường trực ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.
Tại cuộc họp, Thường trực ban Chỉ đạo đánh giá, nhiều vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng kế hoạch của ban Chỉ đạo. Các cơ quan Nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực, khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm 18 vụ án, 4 vụ việc. Riêng từ sau phiên họp thứ 18 của ban Chỉ đạo đến nay đã xử lý dứt điểm 12 vụ án, 4 vụ việc; kết thúc điều tra 13 vụ án/53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm 6 vụ án/33 bị cáo; xét xử phúc thẩm 4 vụ án/6 bị cáo.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Hương Lan