Trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La về kết quả kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến gian lận thi cử tại địa phương, có 100 cán bộ đảng viên liên quan, trong đó thi hành kỷ luật với 83 đảng viên; phê bình nghiêm khắc đối với 9 đảng viên; đang kiểm tra, xem xét đối với 6 đảng viên và 2 đảng viên chưa xem xét do đang nghỉ thai sản.
Đáng chú ý, trong thông báo này, nhiều băn khoăn về việc kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến gian lận thi cử được đặt ra. Theo đó, cùng một hành vi phạm tội, cùng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng mức độ kỷ luật thì lại khác nhau.
Có thể lấy ví dụ là trường hợp của ông Lê Trọng Bình - Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La bị xử lý cảnh cáo vì khai nhận nhờ ông Hoàng Tiến Đức - cựu Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và ông Nguyễn Minh Khoa - nguyên Phó phòng An ninh Chính trị nội bộ xem điểm cho con trai và cháu ruột.
Trong khi đó ông Dương Đức Toàn - Bí thư chi bộ, Giám đốc ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Sơn La lại chỉ bị khiển trách vì không nhận nhờ xem điểm cho con trai và cháu gái. Trong khi đó, ông Hoàng Tiến Đức lại có khai nhận thông tin nhờ xem điểm trước từ ông Dương Đức Toàn.
Hay như việc xử lý kỷ luật trường hợp ông Đỗ Kim Quang - nguyên Giám đốc VNPT Sơn La và ông Nguyễn Quang Việt - Cục trưởng cục Thuế tỉnh Sơn La cũng gây khó hiểu vì ông Quang nhận có nhờ xem điểm thì bị cảnh cáo, còn ông Việt từ đầu đến cuối nói không nhờ ông Đức xem điểm cho con trai thì chỉ bị khiển trách.
Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật đối với Tổ thư ký, các thầy cô chấm thi tự luận chưa thuyết phục. Như 4 cặp chấm (gồm 8 người) ở 4 bài văn bị thay phiếu mà người chấm không hề biết, nhưng chỉ có 4 người bị khiển trách, do lỗi sai quy trình để các đối tượng lợi dụng thay phiếu nâng điểm, 4 người còn lại chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Trước vấn đề trên, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp , bộ Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ với phóng viên báo Người Đưa Tin: “Những đảng viên có chức quyền hay là người dân mà vi phạm luật pháp thì đều bị xử lý, bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm cho vấn đề này. Cũng nhờ xem điểm nhưng phụ huynh là cán bộ đảng viên người thì bị khiển trách, người lại bị cảnh cáo. Thiết nghĩ, cùng 1 hành vi, cùng mức độ vi phạm và cùng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì không thể xử lý khác nhau được”.
TS. Hoàng Ngọc Vinh cũng nói thêm: “Vụ việc gây bức xúc dư luận, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của người dân thì việc xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến gian lận thi cử phải đủ nghiêm khắc để răn đe. Chúng ta cần đảm bảo sự công bằng và xử lý phải đúng mức, thỏa đáng, còn chưa thì dư luận còn băn khoăn, bức xúc, càng không rõ ràng càng gây bất bình cho dư luận”.
Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho hay: “Điều quan trọng nhất phải xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến gian lận phải tuân thủ theo pháp luật, đã làm sai thì đều phải xử lý như nhau. Đối với xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên là phụ huynh có con được sửa điểm trái quy định thì chúng ta cần phải xử lý thật công tâm, thật khách quan, đúng người, đúng vi phạm, tránh bỏ lọt tội danh”.
Liên quan đến vụ việc, theo thông báo số 208-TB/UBKTTU về Kết quả kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La, trong số 46 đảng viên là cha, mẹ của thí sinh được nâng điểm trái quy định bị kỷ luật có ông Nguyễn Ngọc Hà - nguyên Trưởng Phòng giáo dục THPT, sở GD&ĐT tỉnh Sơn La bị cách tất cả các chức vụ trong đảng vì lợi dụng vị trí công tác nhờ xem điểm cho con và một số người khác trước khi có thông báo điểm công khai.
Cùng với đó, 12 đảng viên nhờ xem điểm cho con trước khi có thông báo điểm công khai bị cảnh cáo; khiển trách, 32 đảng viên vì vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên về tự phê bình, trách nhiệm tuyên truyền và nêu gương theo quy định của Đảng; 1 đảng viên khác bị phê bình nghiêm khắc.