Mới đây, theo thống kê từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tỉnh này có khoảng 102.000 lượt khách đến tham quan, tăng 20% so với cùng kỳ dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023, doanh thu du lịch ước đạt khoảng 160 tỷ đồng.
Tại các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý, từ Mùng 01 đến Mùng 03 Tết (10-12/2) mở cửa miễn vé tham quan đối với du khách nội địa và người dân địa phương đã đón 104.682 lượt khách vào thăm, trong đó có 12.682 khách quốc tế và 92.447 khách nội địa. Riêng trong ngày Mùng 3 Tết là cao điểm nhất, đã đón 49.012 lượt, gồm 4.355 lượt khách quốc tế, 44.657 lượt khách nội địa và người địa phương.
Ngày 13/2, các điểm di tích trở lại bán vé bình thường cũng đã có 16.764 lượt khách vào tham quan, trong đó 4.117 lượt khách quốc tế và 12.647 lượt khách nội địa.
Hầu hết các du khách đánh giá cao những chương trình có tính tương tác, trải nghiệm văn hóa truyền thống chào đón du khách đến Huế; trong đó có một số hình thức vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống; các hoạt động đón Xuân của vùng đất Cố đô Huế đáp ứng nhu cầu khách du lịch và cộng đồng địa phương.
Ngoài ra, một trong những địa điểm thu hút khách về “check-in” đó là khu vực bia Quốc học Huế, nơi đặt cặp linh vật rồng “chầu mặt nguyệt” khổng lồ dài hơn 30m.
Hiện dù đã hết thời gian nghỉ Tết nhưng theo ghi nhận, hằng đêm, rất đông người dân vẫn về khu vực này để tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, linh vật rồng năm Giáp Thìn 2024 từ khi được lắp đặt đến nay vẫn đang thu hút rất nhiều người dân, du khách tới tham quan, chụp ảnh.
"Dù qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng lượt khách tới để chiêm ngưỡng linh vật rồng vẫn đang rất đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ linh vật rồng tại vị trí cũ để phục vụ người dân, có thể đến dịp 30/4. Tiếp sau đó sẽ có giải pháp phù hợp trong việc tháo dỡ, thu hồi hay đấu giá", lãnh đạo này nói.
Cặp linh vật rồng trước Bia Quốc học lấy cảm hứng truyền thống, tuy gần gũi, bình dị nhưng lại sống động và giàu tính biểu cảm.
Đơn vị thiết kế cho biết, hai linh vật rồng này được sắp xếp đối xứng ở thế "rồng chầu mặt nguyệt" qua một trục chính với kết cấu nhịp điệu nhẹ nhàng, thanh mảnh, với dáng mềm mại, uốn khúc sinh động…
Vảy rồng được nghiên cứu mô phỏng ngói thanh lưu ly Huế, loại ngói được sử dụng phổ biến cho các công trình cung điện, lăng tẩm và đền chùa Cố đô. Đó là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời, đặt vào đó hy vọng về một cuộc sống mưa thuận gió hòa, êm ấm và ổn định.
Lê Kông