Người tiêu dùng bị người tiêu dùng khác xâm hại
Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…
Đại biểu Cảnh nhấn mạnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật.
Theo đại biểu, hai luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất.
Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Tại nước Nhật, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng.
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng, đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa.
Hoặc sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác mà có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế.
Tuy nhiên, theo đại biểu, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác.
Quy định cụ thể phương thức giải quyết tranh chấp
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.
Cụ thể, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên thời gian, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mức độ sai lệch, thiếu sót của thông tin so với thực tế, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót dẫn đến quyết định của người tiêu dùng.
Trong khi đó, góp ý về nội dung giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho biết, phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật.
Theo Báo cáo của Bộ Công thương tổng kết thi hành Luật bảo vệ người tiêu dùng về tiếp nhận và giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng, phương thức trọng tài và tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thấp.
Ngoài nguyên nhân nêu trên đại biểu cho rằng có nguyên nhân khác đó là phương thức giải quyết tranh chấp trong luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, chỉ mới nêu phương thức giải quyết tranh chấp mà chưa quy định rõ về cơ chế giải quyết của các bên tranh chấp xảy ra.
Tuy nhiên, khoản 1, Điều 54 dự thảo luật cũng chưa khắc phục được bất cập này, vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Khoản 1, Điều 54 cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn.
Cụ thể, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tự giải quyết thông qua các phương thức thượng lượng và hòa giải. Trong trường hợp không tự giải quyết được bằng phương thức thương lượng, hòa giải hoặc không muốn tự chọn giải quyết bằng thương lượng và hòa giải thì lựa chọn một trong hai phương thức giải quyết trọng tài hoặc tòa án.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quyền lựa chọn trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong dự thảo luật.