Xử lý hình sự cán bộ dùng bằng giả, chặn tình trạng “chui sâu leo cao"

Xử lý hình sự cán bộ dùng bằng giả, chặn tình trạng “chui sâu leo cao"

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Chủ nhật, 15/11/2020 19:20

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an cho biết, Bộ này đang đề xuất xử lý hình sự cán bộ sử dụng giấy tờ giả, bằng gả để phục vụ cho tuyển dụng, đánh giá năng lực…

Xung quanh đề xuất này, trao đổi với PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thẳng thắn mổ xẻ vấn nạn bằng giả hiện nay.

Tuyển dụng sính bằng cấp, cán bộ tìm mọi cách có “hồ sơ đẹp”

PV: Mới đây, trả lời chất vấn tại Quốc hội về tình trạng mua, bán giấy tờ, chứng chỉ giả…, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an nêu thực trạng, ngay đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng những giấy tờ giả, bằng giả. Theo ông, gốc rễ của vấn nạn bằng giả nằm ở đâu?

Ông Lê Như Tiến: Trước đây, cơ quan chức năng đã ráo riết làm, phát hiện không ít trường hợp cán bộ dùng bằng cấp giả. Thực tế này cho thấy, việc kiểm soát chất lượng cán bộ và kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn nhiều lỗ hổng. Hơn thế nữa, nguyên nhân gốc vẫn là trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ vẫn dựa vào định tính, tức là chú trọng bằng cấp, coi đây đây là điều kiện tiên quyết. Thế nên mới sinh ra chuyện cán bộ phải tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa các loại văn bằng, chạy đua vào chức vụ làm sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Pháp luật - Xử lý hình sự cán bộ dùng bằng giả, chặn tình trạng “chui sâu leo cao'

Ông Lê Như Tiến.

Tại sao ở các nước tiên tiến việc sử dụng bằng cấp không phải là vấn nạn như ở Việt Nam? Tôi đã từng đi thăm và làm việc ở một số nước như phương Tây, họ chỉ phỏng vấn, đưa các yêu cầu tuyển dụng, nếu anh vào vị trí làm việc này thì anh sẽ có những cải tiến gì, anh sẽ đưa ra giải pháp gì để xử lý công việc…tức là họ thực tế hơn nhiều, họ coi trọng năng lực hơn…hồ sơ đẹp.

Ngược lại, trong công tác tuyển dụng, chúng ta lại quá đề cao bằng cấp, cầm một nắm hồ sơ, xem bao nhiêu bằng, bao nhiêu chứng chỉ mà không biết rằng khả năng thực tiễn của cán bộ đó khi xử lý, giải quyết công việc như thế nào. Tất nhiên, tôi cũng không phủ nhận việc xem hồ sơ cũng là cần thiết, nhưng hồ sơ không quan trọng bằng việc bộ phận tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan hoặc ông Tổng giám đốc một doanh nghiệp…trực tiếp phỏng vấn, “soi” năng lực người được tuyển dụng.

Mỗi vị trí công việc cần có những yêu cầu riêng. Nếu như tuyển dụng anh vào vị trí này, vị trí về tiếp thị, bán hàng hay về maketing thì anh sẽ làm như thế nào và đưa ra những giải pháp gì cho đơn vị, doanh nghiệp?

PV: Nói như vậy, bằng cấp không phải là tiêu chí số 1 trong tuyển dụng nhân sự, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Tôi đã dự một vài cuộc phỏng vấn của vương quốc Bỉ (trung tâm EU của châu Âu) và của Washington (Mỹ), người ta chỉ nói rằng đưa ra mấy tình huống như nếu công ty rơi vào tình trạng phá sản, nếu anh là Giám đốc công ty thì anh sẽ xử lý thế nào? Những giải pháp nào để xử lý? Nếu người được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước này, người đó sẽ tìm ra những giải pháp gì để đưa cơ quan phát triển? Khi chúng ta vẫn coi trọng tiêu chí định tính, yêu cầu đáp ứng một loạt bằng cấp, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ thì còn tình trạng đi mua chứng chỉ; thậm chí bằng đại học, bằng thạc sĩ, tiến sĩ… chỉ cần chi tiền là có.

Pháp luật - Xử lý hình sự cán bộ dùng bằng giả, chặn tình trạng “chui sâu leo cao' (Hình 2).

Văn bằng giả cơ quan điều tra thu giữ trong một vụ án

Chúng ta dùng cái giả thay cho cái thật làm gì, thà rằng chúng ta nghiên cứu thật kỹ các nước, họ đi trước chúng ta một thời gian rất dài, họ mời đến phỏng vấn, nếu ở vị trí này anh có biện pháp gì để thúc đẩy, hiện nay thực trạng đang bê trễ như thế thì cần nhân tố gì… Tôi cho rằng, việc đánh giá năng lực dựa trên những tình huống cụ thể sẽ có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với yêu cầu đáp ứng đủ một “mớ” bằng cấp, giấy chứng nhận.

Chúng ta càng coi trọng bằng cấp thì họ càng làm giả. Thực tế, báo chí cũng nhắc nhiều đến vấn nạn giáo sư giả, tiến sĩ giả, thạc sĩ giả, bằng đại học giả thì nhiều vô cùng và có nhiều con đường để hiện thực hóa việc sở hữu một tấm bằng. Thực tế, có người sở hữu bằng thật nhưng kiến thức giả, thậm chí là không học ngày nào cũng có bằng, đó là kiến thức giả; còn có một số người học giả, kiến thức giả, bằng cũng giả đó là không đi học vẫn có bằng.

Lựa chọn cán bộ phải thực tài

PV: Thời gian gần đây, việc công chức nói chung và công chức xã nói riêng dùng bằng giả để thăng chức, tuyển dụng... khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Theo ông, đâu là giải pháp chấm dứt vấn nạn bằng giả hiện nay?

Ông Lê Như Tiến: Chừng nào mà ta xây dựng được tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ dựa vào định lượng, tức là dựa vào thực tài thì chuyện bằng cấp không còn nặng nề nữa. Tôi nhấn mạnh, yếu tố tiên quyết ở đây phải là thực tài. Thực tài ngoài yếu tố bẩm sinh còn là là sự nỗ lực tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng công việc.

Tôi cho rằng bộ Nội vụ, Chính phủ trình Quốc hội nên có những giải pháp để tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ một cách thực tế hơn, đó là kiến thức thực, bằng thật, thông qua việc phỏng vấn, nêu tình huống rằng nếu anh vào vị trí việc làm này thì anh sẽ có những cái giải pháp nào để thúc đẩy công việc thay vì việc mình ngồi trong phòng lạnh, xem hồ sơ của họ, mà không hiểu đó là bằng thật hay bằng giả.

PV: Liệu đề xuất xử hình sự cán bộ dùng bằng giả mà Bộ trưởng bộ Công an nhắc đến tại phiên chất vấn vừa rồi có phải là “liều thuốc” mạnh chống nạn bằng giả, khiến cán bộ, công chức không dám xài bằng giả, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Đã đến lúc xử lý hình sự những người sử dụng giấy tờ giả, đặc biệt là cán bộ công chức càng phải xử lý nghiêm. Sử dụng bằng giả là vi phạm pháp luật, ngoài việc xử lý hành chính thì phải xử lý hình sự. Cán bộ công chức sử dụng bằng giả là vi phạm phẩm hạnh công bộc của dân, lừa dối tổ chức Đảng và Nhà nước. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả giúp cán bộ “chui sâu leo cao” thì vô cùng nguy hiểm. Thời xưa, trong những tội gian dối thì gian dối bằng cấp là tội rất nặng.

Tôi đồng tình với ý kiến của đồng chí Bộ trưởng bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, trường hợp sử dụng bằng lái xe giả, khi gây tai nạn sẽ bị xử về tội gây tai nạn nhưng trong trường hợp chưa gây tai nạn cũng có thể phải xử lý. Trong cán bộ, công chức cũng nặng nhiều về xử lý về hành chính nhưng đã làm đến giấy tờ giả thì cũng phải nghiên cứu, đề xuất có những biện pháp để xử lý về hình sự.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người sử dụng giấy tờ giả

Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 9/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an cho biết, tình trạng đối tượng giả mạo trang web làm giấy tờ giả công khai trên mạng. Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng liên quan triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm sản xuất đường dây làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả. Có vụ thu được 1.500 mẫu dấu, công cụ, máy móc làm mẫu giả, con dấu giả. Qua đấu tranh, những người này khai nhận có thể tự thực hiện được hầu hết tất cả các công đoạn của việc làm giấy tờ, chứng chỉ giả, từ việc chế tạo các phôi bằng cho đến chữ ký, con dấu, tự ký đóng dấu lên tài liệu.

Những người này cũng sẵn sàng nhận làm giả hầu hết các loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học. Ví dụ như: Đại học Y, đại học Dược để hành nghề, bằng lái xe giả rồi các bằng tốt nghiệp để phục vụ cho đề bạt, tuyển dụng cán bộ. "Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng những giấy tờ giả này”, Bộ trưởng bộ Công an nói.

Về giải pháp, bộ Công an đang đề xuất các cơ quan rà soát, phát hiện việc sử dụng băng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý theo nghiêm quy định pháp luật. “Trước đây, với một số người mà sử dụng giấy tờ giả hầu như nặng nhiều về xử lý hành chính, ít khi xử lý về hình sự. Tuy nhiên chúng tôi thấy đã đến mức phải xử lý hình sự”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

 

Hương Lan- Nguyễn Thúy (Thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.