Liên quan đến vụ việc 3 cháu bé trường mầm non tư thục Tuổi thơ (Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam) bị bỏng nặng trong quá trình cô giáo đang dạy kỹ năng phòng chống chảy nổ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là một vụ tai nạn hi hữu, đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.
Vụ việc này gây tổn hại đến sức khỏe của học sinh, bởi vậy các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ nguyên nhân, hậu quả và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để có hình thức xử lý cho phù hợp với các quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, trước tiên, cơ quan thanh tra hoặc cơ quan công an của địa phương này sẽ xác minh làm rõ cơ sở giáo dục này có giấy phép hay không, giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ, đủ điều kiện tham gia hoạt động giáo dục hay không, đồng thời làm rõ hành vi, nguyên nhân và hậu quả của vụ việc.
Trong trường hợp cơ sở đào tạo này được phép đào tạo theo quy định của pháp luật, giáo viên có đầy đủ bằng cấp, chuyên môn theo quy định, việc tai nạn là sự việc bất ngờ, bất khả kháng, không may xảy ra, không có lỗi của giáo viên và cơ sở giáo dục thì có thể sẽ không đề cập đến trách nhiệm hình sự.
Cơ sở giáo dục này và giáo viên gây thiệt hại đến sức khỏe của học sinh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, bồi thường tổn thất về tinh thần và tiền công cho người chăm sóc các cháu trong quá trình điều trị.
“Mức bồi thường cụ thể do gia đình các học sinh này và nhà trường thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Vụ việc này là do người của pháp danh gây ra bởi vậy, nhà trường này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân sau đó có thể yêu cầu giáo viên bồi hoàn lại số tiền bồi thường đó cho nhà trường”, luật sư Cường nói.
Trong quá trình xác minh vụ việc, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy giáo viên đã có lỗi vô ý gây ra thương tích cho nạn nhân là các học sinh (lỗi vô ý có thể ở hai dạng là vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả) và thương tích của nạn nhân từ 31% trở lên thì giáo viên này có thể bị xử lý hình sự về tội Vô ý gây thương tích theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
“Như vậy, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi cơ quan chức năng xác định giáo viên đã có lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả”, luật sư Cường nói.
Cũng là một ông bố, có con đang ở độ tuổi đi học, luật sư Cường cho rằng: Việc giảng dạy kỹ năng sống, huấn luyện những kỹ năng sinh tồn là cần thiết nhưng phải được thực hiện bởi người có chuyên môn, nghiệp vụ, chương trình huấn luyện phải khoa học và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cho phép.
Nếu việc huấn luyện, rèn luyện kỹ năng sống không khoa học, thiếu sự quản lý của nhà nước sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hoàn toàn có thể gây tổn thương cho các học sinh...
Bởi vậy, theo quan điểm của luật sư Cường, trong quá trình xác minh vụ việc, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ việc giáo viên sử dụng cồn để đốt như vậy có được hay không? Giáo viên này có kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy hay không? Trường này có giáo viên chuyên trách về giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ hay không? Chương trình huấn luyện kỹ năng về phòng cháy, về thoát hiểm khi cháy nổ có nằm trong chương trình đào tạo được bộ giáo dục, phòng giáo dục cho phép giảng dạy đối với đối tượng học sinh này hay không?...
Đó là những vấn đề quan trọng để xác định nhà trường và giáo viên này có lỗi trong việc đào tạo và dẫn đến hậu quả thương tích cho các em học sinh hay không. Từ đó có hình thức xử lý phù hợp, và qua đó cần tăng cường công tác quản lý hơn nữa để không xảy ra những vụ việc tai nạn tương tự.