Đây là các văn bản pháp luật điều chỉnh về phòng, chống mại dâm, trong đó có quy định về xử phạt các hoạt động liên quan đến mại dâm. Các văn bản này không định nghĩa hành vi bán dâm, mua dâm hay mại dâm dựa trên yếu tố giới tính. Do đó, người nào thực hiện hành vi được mô tả trong quy định pháp luật thì người đó thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định pháp luật. Thế nên, mại dâm nam, mại dâm đồng tính vẫn được các văn bản kể trên điều chỉnh.
Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội cũng điều chỉnh một số trường hợp cụ thể đối với các hành vi mại dâm, liên quan đến mại dâm, nên các văn bản này cũng được áp dụng khi có liên quan đến mại dâm nam, mại dâm đồng tính. Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, và đang có dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm, và mua dâm người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Kiều Hưng-Luật sư điều hành hãng luật Giải Phóng.
Theo đó, cũng không có gì khác biệt về xử lý khách mua dâm là người nước ngoài và người Việt Nam. Khi người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam các cơ quan chức năng địa phương phải tiến hành thủ tục điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, những đối tượng vi phạm là người nước ngoài thì thông tin về người nước ngoài có hành vi mua bán dâm ở Việt Nam khi bị phát hiện, sẽ được thông báo trực tiếp đến cục Lãnh sự, bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện nước họ đồng thời phối hợp với những vấn đề liên quan đến đối ngoại để xử lý.
Tuy nhiên, theo tôi, cần có chế tài xử phạt nặng hơn đối với khách nước ngoài mua bán dâm, có thể áp dụng biện pháp trục xuất khi các đối tượng này có vi phạm nghiêm trọng hay tái phạm nhiều lần. Cần phải làm cho những người nước ngoài này hiểu rằng, đất nước chúng ta không hoan nghênh và chào đón họ đến đây vì có những hành vi và mục đích không tốt đẹp. Ở Việt Nam, mại dâm không phải là một nghề được cho phép hoạt động kinh doanh như một số nước khác trên thế giới.
Thêm nữa, những đối tượng tổ chức, hành nghề mua bán dâm nhiều khi tìm mọi cách chèo kéo khách cũng là một điều đáng lên án. Vô hình trung, hành động này đã khiến cho người nước ngoài có những suy nghĩ, nhìn nhận khác đi về hình ảnh đất nước chúng ta. Gần đây, có một số ý kiến cho rằng nên hình thành những "khu đèn đỏ" cho phép mại dâm hoạt động công khai một cách có quản lý. Song cần cân nhắc kỹ việc này, xem xét những thứ được và mất để đưa ra quyết sách đúng đắn.
Để ngăn chặn được hoạt động mại dâm, vai trò của các cấp chính quyền, cơ quan điều tra là rất quan trọng. Một khi cơ quan quản lý nhận thức được mại dâm sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào đối với xã hội, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc điều tra, truy quét các cơ sở hành nghề mại dâm trá hình, bán công khai đang ngày đêm hoạt động trên khắp cả nước.
Để lại “tiếng xấu” với du khách ngoại quốc Sự tha hóa về giá trị đạo đức, suy đồi về lối sống của một số người trong xã hội đã tạo điều kiện cho tệ nạn mại dâm bùng phát dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước thực trạng này, nhiều cơ quan liên quan, các ban ngành chức năng đã vào cuộc, ngăn chặn đẩy lùi nhưng tình hình mại dâm vẫn diễn biến phức tạp. Trên thế giới, tại một số quốc gia, việc mua bán dâm được thừa nhận hợp pháp (tại một số địa điểm quy định). Điều đáng chú ý, mặc dù cho phép dịch vụ mại dâm hoạt động nhưng tất cả các cơ sở mại dâm hoạt động đều được các cơ quan Nhà nước tổ chức quản lý rất chặt chẽ. Trong khi đó, hoạt đông mại dâm ở Việt Nam bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Mặc dù vậy, nhiều đối tượng lại xem mại dâm là một nghề để hái ra tiền. Mục tiêu thu lợi nhuận khủng được vạch ra khi chúng chỉ hoạt động mua bán dâm cho người nước ngoài. Để qua mắt cơ quan công an, những đường dây này tổ chức hoạt động rất tinh vi. Bên ngoài, chúng núp dưới hình thức quán bar phục vụ ăn uống cho thực khách nước ngoài, nhưng bên trong là một tổ hợp mại dâm quy mô lớn, phục vụ cho khách nước ngoài theo yêu cầu từ A- Z. Trao đổi với PV về vấn đề trên, dưới góc độ tâm lí, giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền, hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM chia sẻ: "Hầu hết những du khách nước ngoài đến Việt Nam đều biết ở Việt Nam cấm mua bán dâm. Chính điều này đã kích thích sự tò mò ở một số người. Theo quy luật "cung -cầu", ở đây có chút ngược là "cầu -cung", ở đâu có "cầu" thì ở đấy có "cung". Dù rằng các cơ quan chức năng đã rất tích cực ngăn chặn nhưng lại xuất hiện "người làm khóa, kẻ phá khóa" nên xảy ra những hiện tượng trá hình. Vấn đề "lợi nhuận" với kẻ môi giới là rất lớn vì du khách nước ngoài có nhiều tiền, về mặt "an toàn" cũng có vẻ cao hơn. Còn các cô gái "có học thức" (biết chút ít tiếng nước ngoài) cũng thấy "đỡ bẽ mặt". Bởi người mua dâm là người nước ngoài, nên khi cả hai bên xong việc sẽ chẳng ai biết mình là gái "làng chơi". Đây là những lý do khiến đối tượng mua bán dâm chọn người nước ngoài bán dâm". Hơn thế nữa, hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới đang xuất hiện "du lịch tình dục". Do đó, có một số du khách sang Việt Nam đi du lịch đã chọn hướng "du lịch tình dục" để giải trí. Cũng theo giáo sư Hiền: "Có thể nói, việc mua bán dâm đã làm mất giá trị về nhân cách cá nhân và ảnh hưởng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, nó còn để lại "tiếng xấu" đối với du khách về "luật pháp Việt Nam không nghiêm", ảnh hưởng xấu đến phát triển du lịch, đến văn hóa của đất nước có nền văn hiến đã lâu. Việc làm trên thật đáng hổ thẹn". |
Hương Lam - Quyên Triệu