Xử lý kiên quyết "xe sang biển ngoại" tạm nhập "quyên" tái xuất

Xử lý kiên quyết "xe sang biển ngoại" tạm nhập "quyên" tái xuất

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Cục CSGT đường bộ và đường sắt (Bộ Công an) đang nghiên cứu và sẽ xử lý kiên quyết các loại xe có nguồn gốc tạm nhập trong thời gian tới.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 2.000 phương tiện ô tô đã quá thời hạn tạm nhập mà không tái xuất hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế khi chuyển giao quyền sử dụng. Lợi dụng chính sách miễn thuế đối với xe ngoại cùng với chiêu bài "chuyển nhượng", nhiều cá nhân, tổ chức đã liên kết với nhau nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Việc này đã gây thất thu lớn tiền thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của nước ta. Để ngăn chặn hiện tượng này, hiện Cục CSGT đường bộ và đường sắt (Bộ Công an) đang nghiên cứu và sẽ xử lý kiên quyết các loại xe có nguồn gốc tạm nhập này trong thời gian tới.

Xã hội - Xử lý kiên quyết 'xe sang biển ngoại' tạm nhập 'quyên' tái xuất

Những chiếc xe biển NN và NG vi phạm, bị công an Phú Thọ bắt giữ

25 xe ô tô mang biển kiểm soát nước ngoài bị tạm giữ

Ngày 26/9 Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Đến thời điểm này, qua quá trình kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn, PC46 đã ra quyết định tạm giữ 25 xe ô tô mang biển kiểm soát nước ngoài. Bước đầu cho thấy, số xe này đều đã quá thời hạn tạm nhập nhưng không làm thủ tục tái xuất và có hành vi trốn thuế.

Hơn nữa, qua kiểm tra, chủ sở hữu của những chiếc xe ôtô trên đều cho thấy họ không phải là nhân viên ngoại giao. Đặc biệt có những phương tiện đã được sử dụng trong một thời gian dài và không có bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan đến việc cấp phép sử dụng xe mang biển số nước ngoài hoặc xe ngoại giao. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp xuất trình được "giấy ủy quyền" nhưng hoàn toàn không hợp lệ bởi trong giấy này không đề ngày, tháng, năm, chữ ký của người được ủy quyền.

Theo đó, vào ngày 17/4/2012, tại xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), PC46 đã bất ngờ kiểm tra xe ôtô BKS 80 NG 166.28 do Phan Văn Khiên (32 tuổi, lái xe Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bách Việt - viết tắt là Công ty Bách Việt, trú tại TP. Hồ Chí Minh) điều khiển.

Kiểm tra bước đầu, anh Khiên đã không đưa ra được bất kỳ một loại giấy tờ nào nhằm khẳng định chiếc xe mà mình đang lái thuộc sở hữu biển ngoại giao. Ngay lập tức chiếc xe được đưa về trụ sở của PC46 để điều tra làm rõ. Tiếp tục truy tìm nguồn gốc của chiếc xe này, PC46 đã triệu tập ông Nguyễn Ngọc Long, giám đốc kinh doanh của Công ty.

Tại cơ quan công an, ông Long đã xuất trình giấy ủy quyền trong đó có nội dung: Ông KimHea Yean, Đại sứ quán Campuchia ủy quyền cho Công ty Bách Việt sử dụng chiếc xe trên. Tuy nhiên, tất cả những giấy tờ mà ông Long trình lên cơ quan công an đều không hợp lệ bởi giấy ủy quyền này không hề có số, không đề ngày, tháng, năm, người ủy quyền và người được ủy quyền không ký.

Chưa dừng lại ở đó, Công ty Bách Việt còn xuất trình một đăng ký xe ôtô (bản phô tô); 1 sổ chứng nhận kiểm định chiếc xe ôtô trên. Qua làm việc với Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Cơ quan công an đã nắm được thông tin, ông KimHea Yean đã hết nhiệm kỳ từ ngày 18/2/2012. Do vậy chiếc xe ôtô trên không thuộc quyền sở hữu cá nhân của ông KimHea Yean.

Tiếp đó, ngày 23/5, trên tuyến quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), PC46 kiểm tra tạm giữ chiếc xe ôtô BKS 80 NG 37625 do ông Bùi Thanh Bình (50 tuổi, trú tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, ông Bình không xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ gì liên quan đến chiếc xe ôtô trên. Theo ông Bình khai nhận, chiếc xe là do ông mượn của người quen, còn nguồn gốc chiếc xe ở đâu thì không rõ....

"Chuyển nhượng", sang tay… dựa vào kẽ hở?

Việc 25 chiếc xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài mà cơ quan công an tỉnh Phú Thọ đang thu giữ thì có tới 11 chiếc xe bị xử phạt hành chính và tịch thu, số còn lại hiện đang được tiếp tục điều tra làm rõ. Đáng chú ý, có những chiếc xe đã chuyển nhượng cho người Việt Nam sử dụng hơn 10 năm nhưng vẫn lưu hành công khai và đối phó với cơ quan chức năng bằng các giấy ủy quyền được đóng dấu và ký khống. Như vậy có thể thấy được rằng thực trạng trên không chỉ riêng địa bàn Phú Thọ, mà nó còn xuất hiện trong tất cả các tỉnh, thành khác. Những chiếc xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài đã quá thời gian tạm nhập và đã được "chuyển nhượng" sang tay nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.

Theo quy định, khi đến công tác tại Việt Nam, các nhân viên ngoại giao được mang một xe ôtô vào Việt Nam (xe ôtô được đăng ký tại Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và không phải nộp bất cứ một loại thuế và phí nào). Sau khi về nước (hết nhiệm kỳ 3 năm, người sử dụng phải tái xuất, mang xe ôtô về nước hoặc tiêu hủy, đồng thời trả lại biển kiểm soát NN và NG cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt. Hoặc nếu bán cho người Việt Nam sử dụng thì phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của Nhà nước Việt Nam), đối với những trường hợp ủy quyền thì không quá 6 tháng kể từ khi hai bên ký quyết định.

Thế nhưng cũng chính vì thế đã tạo ra kẽ hở, một số nhân viên Đại sứ quán sau khi hết nhiệm kỳ đã mang bán xe ôtô cho người Việt Nam sử dụng, với giá rẻ; mặt khác một số đối tượng người Việt Nam biết được chủ trương đó cũng đưa tiền cho các nhân viên Đại sứ quán mua xe sau đó đăng ký rồi ủy quyền cho người Việt Nam sử dụng.

Sau khi mua được những chiếc xe ôtô trên (chủ yếu là những chiếc xe hạng sang với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Porche Cayene; Audi; Lexus, BMW….). Phần lớn các xe ôtô này, sau khi mua lại người sử dụng vẫn dùng biển ngoại giao để lưu thông trên đường mà không có cơ quan chức năng nào phát hiện và xử lý. Đây là một kẽ hở để nhiều xe ôtô tạm nhập, tái xuất được lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam mà không phải nộp thuế nhập khẩu.

Phân rõ trách nhiệm

Để siết chặt thực trạng này, trước hết cần phải phân rõ trách nhiệm, quản lý và xử lý. Theo Tổng cục Hải quan cần phải ban hành cơ chế quản lý đối với xe ô tô mang biển ngoại giao theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể đối với các ngành chức năng như Công an, Ngoại giao, Hải quan... nhằm hạn chế những sơ hở, thiếu sót.

Cũng theo Công văn số 7896/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính đề xuất phương án về xử lý xe ôtô của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam sử dụng không đúng mục đích từ năm 1988 đến nay thì đối tượng thực hiện thủ tục chuyển nhượng, kê khai, nộp thuế là tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe nhập khẩu từ năm 1988 tới nay của các đối tượng ngoại giao được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam đã kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục chuyển nhượng kê khai nộp thuế sẽ phải tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Thời điểm kê khai là trong phạm vi 90 ngày kể từ ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Về căn cứ tính thuế với những xe mang biển ngoại giao đã chuyển nhượng (do đối tượng ngoại giao tự ý chuyển nhượng khi kết thúc nhiệm kỳ nhưng không làm thủ tục; người mua đã không làm thủ tục nhưng lại chuyển nhượng tiếp...), dự thảo khuyến khích các đối tượng đang sử dụng xe ngoại giao không đúng quy định tự giác ra làm thủ tục, Chính phủ sẽ cho phép xác định căn cứ tính thuế là thời điểm kê khai (trong đó, thuế suất, tỷ giá tính tại thời điểm kê khai).

Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, trong số 25 xe ô tô vi phạm mang biển kiểm soát ngoại giao thì 11 chiếc đã bị tịch thu. Còn 14 chiếc, cơ quan này đang hoàn tất các thủ tục điều tra, xác minh để ra quyết định thu hồi. Số xe ô tô bị tịch thu được tổ chức bán đấu giá công khai, sung công quỹ.

Đào Giang


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.