Liên quan đến việc "Điều tra vụ nam sinh lớp 6 tử vong sau xô xát với bạn cùng trường", trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ra các góc nhìn pháp lý. Theo đó, qua xem xét sự việc này, có thể thấy hành vi của nam sinh Y. là có ý định mang dao rọc giấy ra để hù dọa nam sinh H. (nạn nhân) sợ. Trong lúc xô xát giữa hai bên có sự kích động mạnh dẫn đến dao từ tay nam sinh Y. bất ngờ đâm vào vùng bụng của nạn nhân H. khiến nạn nhân tử vong do mất quá nhiều máu. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng của người khác.
Theo luật sư Minh, với hành vi trên, nam sinh Y. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác trong trạng thái bị kích động mạnh" quy định tại điểm b khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nhưng xét về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với nam sinh Y. (học sinh lớp 7) chưa đủ 14 tuổi. Theo quy định Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì pháp luật không quy định về khung hình phạt đối với người dưới 14 tuổi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với bất kỳ tội danh nào, chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên khi phạm tội thì mới bị áp dụng các biện pháp xử phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Đối với trường hợp này căn cứ tại Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bổ sung khoản 46 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và Nghị định 120/2021/NĐ-CP Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì biện pháp áp dụng cho nam sinh Y. khi phạm tội đó là áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn "người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự".
Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng (khoản 3 Điều 5 Nghị định 120/2021/NĐ-CP). Căn cứ pháp lý về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 "người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này". Vì vậy, cha, mẹ của nam sinh Y. phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân H.", luật sư Minh nhấn mạnh.
Luật sư Minh phân tích thêm, căn cứ pháp lý tại khoản 2 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người dưới 14 tuổi vi phạm sẽ không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc chỉ áp dụng đối với trường hợp người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, đối với trường hợp người dưới 14 tuổi phạm tội thì sẽ không bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp giáo dục, uốn nắn tại gia đình để trẻ em nhận ra những hành vi sai trái của mình.
Cũng theo luật sư Minh, về phía nhà trường, cần xem xét lại nội quy quy định của nhà trường, họp hội đồng kỷ luật để đưa ra hình phạt tương ứng đối với nam sinh Y.. Ví dụ như có thể khiển trách, phạt kỷ luật, hay có thể mức hình phạt cao nhất là thôi học để cảnh cáo. Đối với các học sinh khác nhà trường cần tuyên truyền và nghiêm cấm hành vi bạo lực trong trường học. Hơn nữa, phía nhà trường và gia đình nam sinh Y. phải đứng ra xin lỗi gia đình người bị hại.
Như tin đã đưa, vào khoảng 12h35 ngày 15/2, sau khi cùng đi vệ sinh tại nhà vệ sinh của trường THCS Phong An, em C. (học sinh lớp 7) đã xảy ra xô xát với em H. (học lớp 6) cùng trường. Ngay sau đó, nam sinh T.C.Y. học cùng lớp với em C. phát hiện được sự việc, liền chạy đến để bênh vực bạn mình.
Trong lúc xảy ra xô xát, nam sinh Y. mang dao rọc giấy ra để dọa em H. Lúc này dao từ tay em Y. bất ngờ đâm vào vùng bụng của em H. Nạn nhân đã tử vong sau đó do mất nhiều máu.