Thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương có nội dung, UBKT Trung ương quyết định về điều 1 và 2: “Cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Phùng Đình Thực; cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Đỗ Văn Hậu; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn; cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Quốc Khánh.
Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền”.
PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa quan điểm cá nhân về Kết luận của UBKT Trung ương.
PV: Thưa ông, trước việc một loạt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nhận kỷ luật và đề nghị xem xét kỷ luật, ông có đánh giá như thế nào trước quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước?
Ông Bùi Ngọc Thanh: Theo tôi, kết luận của UBKT Trung ương góp phần khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Tiếp cận Nghị quyết, tôi thấy nội dung nêu rõ: “Tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”. Tất cả những cá nhân, tổ chức mà UBKT Trung ương nêu rõ khuyết điểm và đề nghị kỷ luật đúng với nội dung này.
Kết luận của UBKT Trung ương có ý nghĩa rất lớn khi thể hiện sự nghiêm minh, nghiêm túc, nói như thế nào làm như vậy, ai có khuyết điểm phải xem xét xử lý, không có vùng cấm. Không có việc cán bộ lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao mắc khuyết điểm lại có thể “hạ cánh an toàn”. Thêm nữa, việc xử lý cán bộ sai phạm như vậy góp phần củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với sự quản lý của Nhà nước.
PV: Theo ông, những việc tiếp theo của các cơ quan sẽ cần như thế nào để đạt đúng mục tiêu nghiêm minh và “không có vùng cấm”?
Ông Bùi Ngọc Thanh: Có lẽ, trong số các cán bộ bị xử lý chỉ còn một vài cá nhân thuộc cấp quản lý cao hơn cần đề nghị xem xét xử lý tiếp. Tôi chắc chắn Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ xem xét một cách nghiêm túc, đầy đủ, hoàn thiện để có những hình thức kỷ luật hợp lý.
PV: Xử lý nghiêm với người đứng đầu càng thể hiện tính làm gương rất cao với những cán bộ đương nhiệm?
Ông Bùi Ngọc Thanh: Đối với người đứng đầu ra khỏi quá trình công việc hay đang công tác, bị xử lý nghiêm túc mang tính răn đe và cảnh tỉnh cho những người đứng đầu còn đương nhiệm. Đây là điều rất quan trọng. Dù đã nghỉ hưu hay còn đương chức nhưng khuyết điểm đến đâu phải xử lý đúng mức đến đó, không nương nhẹ, lấy thành tích lấp cho khuyết điểm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu