Bao nhiêu người đứng đầu bị xử lý?
Thanh tra Chính phủ vừa cho biết, trong quý III/2020 toàn ngành đã triển khai 2.169 cuộc thanh tra hành chính và 59.639 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm gần 55.000 tỷ đồng, gần 2.000 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 18.500 tỷ đồng và 227ha đất…
Đồng thời kiến nghị xử lý đối với trên 500 tập thể, cá nhân, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với số tiền 1.208 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 31 vụ, 17 đối tượng.
Trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, ngành thanh tra đã tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội. Kiểm tra việc thực hiện tại 436 cơ quan, tổ chức, đơn vị và đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, xử lý 14 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
“Tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 1.583 cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng. Có 26 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và đã xử lý 21 người, xử lý hình sự 1 người do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng”, Thanh tra Chính phủ cho hay.
Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 10 vụ, 11 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Từ nay tới cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo, nhất là phối hợp, xử lý các vụ việc phức tạp, đông người ở địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở Trung ương.
Tiếp tục chuẩn bị và tổ chức đối thoại với người dân khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM khi có đủ điều kiện; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Cơ quan thanh tra cũng sẽ tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình hình nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến 26 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà trong đó, trước hết thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng phụ thuộc rất lớn vào vai trò, nhận thức, quan điểm, thái độ cũng như hành động của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của một cơ quan, tổ chức, đơn vị. Điều đáng bàn, chúng ta vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng nên hiệu quả chưa cao”.
Tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu
Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà nhận định, một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do cơ quan điều tra cấp trung ương khám phá, điều tra. Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Đáng lưu ý, số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội.
Tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở. Qua xử lý các vụ tham nhũng lớn, có tính chất lợi ích nhóm, “sân sau” cho thấy, loại tội phạm này đang chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…
“Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc.
Bản chất của tham nhũng là những người có chức vụ và quyền hạn lạm dụng quyền lực để vụ lợi. Do đó, kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì nhất thiết phải kiểm soát được quyền lực. Theo đó, cần có cơ chế giám sát ngay hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, lãng phí trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Việc xử lý vi phạm không loại trừ bất cứ ai, nếu có hành vi tham nhũng”, ĐB Hà kiến nghị.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng nhằm tăng cường hiệu quả của biện pháp này. Cùng với việc phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ; thực hiện giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; việc nâng cao hiệu quả và tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cũng cần được chú trọng phối hợp thực hiện…
Hương Lan