Xử lý nghiêm trang mạng 'tổng hợp' thông tin báo chí

Xử lý nghiêm trang mạng 'tổng hợp' thông tin báo chí

Thứ 2, 09/09/2013 11:17

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet có chế tài xử lý các trang mạng lấy thông tin từ các báo mà không trích nguồn, thậm chí biên tập, giật tít, làm sai lệch nội dung thông tin.

Trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 8/9/2013, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã giải đáp cặn kẽ nhiều câu hỏi liên quan đến Nghị định 72 được Chính phủ ban hành vừa qua.

Với băn khoăn về chế tài xử lý các trang tin mạo danh trong trường hợp website đó có máy chủ từ nước ngoài, trước hết, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, việc mạo danh tổ chức cá nhân dù là trong đời sống thực hay trên không gian mạng đều là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và cần phải được trừng trị.

Ông Son xác nhận thực tế thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mở của mạng Internet đã đưa những thông tin sai trái, phương hại đến an ninh quốc gia.

Cụ thể, những thông tin sai trái ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, tài chính, làm ảnh hưởng đến phát triển của nền kinh tế đất nước cũng như thông tin sai trái đưa ra ảnh hưởng đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ nhân dân…

“Đây là hoạt động phi pháp, sai trái đã được một số tổ chức, cá nhân thực hiện trên không gian mạng vừa qua. Việc này trong điểm e, khoản 1, điều 5 của Nghị định 72 đã nêu rất rõ là cấm các hành vi mạo danh, đưa những thông tin mạo danh, sai trái làm phương hại đến tổ chức, cá nhân” – Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nêu rõ.
Luật sư - Xử lý nghiêm trang mạng 'tổng hợp' thông tin báo chí
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Các trang mạng không được cung cấp thông tin điện tử tổng hợp".

Phân tích đặc tính thông tin trên mạng – không gian rất ảo nhưng mọi hành vi, hoạt động trên không gian này ít nhiều cũng để lại dấu tích, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son quả quyết, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam có thể tìm ra được chủ nhân của những hành vi sai trái đó nếu như tên miền do Việt Nam cung cấp.

Tuy nhiên trường hợp thông tin sai trái xuất phát từ máy chủ ở nước ngoài mà khuôn khổ pháp luật của nước đó không phù hợp với khuôn khổ pháp luật của Việt Nam trong việc quản lý Internet, ông Son thừa nhận, đó là vấn đề thách thức.

Vì những hạn chế đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đề nghị cư dân mạng, người dân khi sử dụng thông tin trên Internet phải nâng cao năng lực của mình để phân biệt rõ những thông tin đúng, đích thực và thông tin sai trái, tránh thông tin sai trái, lừa đảo, nhất là những thông tin tuyên truyền phương hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của bản thân và quyền tự do chính đáng của người dân.

Tiếp tục một chủ đề nóng trên các diễn đàn vừa qua về tình trạng các trang mạng lấy thông tin từ các báo nhưng lại không trích nguồn, thậm chí biên tập lại và giật tít theo kiểu giật gân câu khách, làm sai lệch nội dung thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Nghị định 72 đã đưa ra những chế tài quan trọng góp phần cho Bộ Thông tin Truyền thông, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí có điều kiện xử lý sai phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cơ quan báo chí.

Chỉ đích danh “thủ phạm” có hành vi trích dẫn nguồn tin từ báo chí, làm sai lệch thông tin trên báo là một số trang mạng xã hội, ông Son nhấn mạnh nguyên tắc mọi cá nhân có quyền xem xét, tiếp thu thông tin trên báo chí theo quan điểm riêng của mình nhưng không làm sai lệnh thông tin, nếu cố tình làm sai sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo đó, Nghị định 72 đã quy định rất rõ, đưa ra loại hình cụ thể, khẳng định trang thông tin nào được sử dụng nội dung, cung cấp thông tin và chịu chế tài gì.

“Ví dụ trang thông tin tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân... Đấy là những trang thông tin riêng biệt, cung cấp tùy theo nhu cầu của cá nhân và tổ chức để cung cấp thông tin và chịu chế tài xử phạt của cơ quan nhà nước. Những hoạt động làm sai lệch, phương hại đến nội dung đều bị xử phạt kịp thời” – Bộ trưởng Son khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, Nghị định 72 không có nội dung nào ngăn cấm người dân, những người tham gia các trang mạng xã hội việc cung cấp cũng như tìm kiếm, trao đổi và chia sẻ thông tin (ví như việc đưa tin tức thời sự hoặc các bài viết về sức khỏe, công nghệ, thời trang từ các báo khác lên trang cá nhân). Cụ thể, điều 20 của Nghị định ghi rất rõ về những khái niệm, phân biệt rõ nội dung của những trang thông tin điện tử đang hoạt động hiện nay. Trong đó có trang thông tin ở khoản 4, điều 20 ghi rõ là nói về trang thông tin điện tử cá nhân.

Theo ông Son, trang thông tin điện tử cá nhân do các cá nhân dựng lên trong quá trình sử dụng mạng xã hội để nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân mình nhưng không đại diện cho tổ chức cũng như không đại diện cho người khác và không cung cấp thông tin điện tử tổng hợp. Theo đó, nhà nước không cấm cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân mình đối với xã hội, chỉ cấm không được thực hiện cung cấp thông tin tổng hợp. Mà việc cung cấp thông tin tổng hợp này, Bộ trưởng Son lưu ý, các trang thông tin nội bộ, trang thông tin ứng dụng chuyên ngành cũng không được làm thông tin tổng hợp.

Mặc khác, Điều 23 nói về 4 quyền và nghĩa vụ của người sử dụng trang mạng xã hội, trong đó cũng không có điều nào cấm người dân truy cập và khai thác, tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nhắc lại: “Tinh thần ở đây muốn nói là riêng thông tin điện tử tổng hợp, một số trang mạng như trang cá nhân, trang nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành không được cung cấp. Nếu như trang thông tin cá nhân, trang điện tử nội bộ cũng như trang thông tin điện tử chuyên ngành mà muốn cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật đối với trang thông tin tổng hợp”.

Nhắc đến một đối tượng cụ thể là trang mạng xã hội Facebook với hiện tượng mạo danh người khác, nhất là những người nổi tiếng để thực hiện mục đích xấu, người đứng đầu ngành Thông tin truyền thông khái quát, việc mạo danh, không chỉ với người nổi tiếng mà cả người dân bình thường cũng là hiện tượng sai trái mà pháp luật cần nghiêm trị.

Theo nguyên tắc đó, Nghị định 72 quy định rõ, việc mạo danh đưa thông tin sai lệch, xâm hại đến lợi ích, danh dự cá nhân đều bị xử lý theo quy định. Việc mạo danh là việc đã được xã hội lên án, vì vậy pháp luật sẽ bảo vệ họ, đó là quyền tự do chính đáng của người dân.

Dẫn lại sự việc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với 3 học sinh, sinh viên và cảnh cáo 4 người khác vì có hành vi làm nhục, xúc phạm người khác trên Facebook, ông Son nhận định đó là việc làm đáng khích lệ. Quyết định của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng góp phần ngăn chặn, cảnh báo cho những người tham gia dịch vụ trên Internet, những chia sẻ thông tin trên mạng luôn tôn trọng mình và tôn trọng phạm luật, bảo vệ quyền tự do chính đáng của mình cũng như không phương hại đến quyền tự chính đáng của người khác. Nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
 

Nghị định 72 (ban hành ngày 15/7/2013) rất quan trọng trong việc quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và trên các trang mạng xã hội thay cho Nghị định số 97 ngày 28/8/2008 về những nội dung này.

Nghị định gồm 6 chương, 46 điều đã đưa ra những chế tài rất quan trọng để quản lý nhà nước, thúc đẩy việc phát triển ứng dụng sử dụng Internet cũng như các thông tin trên mạng.

Nghị định đưa ra những chế tài rất quan trọng trong việc bảo đảm cho việc đưa ra những nguyên tắc cho việc phát triển Internet, quản lý tài nguyên Internet; đưa ra nguyên tắc trong việc cung cấp, ứng dụng, sử dụng các dịch vụ trên Internet; đưa ra những quy định để thiết lập các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử cũng như việc cung cấp các thông tin trên các mạng viễn thông di động và bảo đảm an toàn an ninh thông tin trên mạng hiện nay.

Tinh thần chung của Nghị định là khuyến khích và tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cá nhân cung cấp và tìm kiếm và trao đổi chia sẻ các thông tin trên mạng. Đây là một điểm rất quan trọng của Nghị định và được xã hội rất quan tâm và quy định những chế tài trong việc bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người sử dụng các thông tin này, và quy định rõ trách nhiệm của những người, của tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp các thông tin này.

Cụ thể, Chính phủ đã đưa ra những nội dung, phương thức để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm tính hợp pháp của các thông tin đưa ra trên mạng. Nghị định 72 ra đời được xem là điều kiện để tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của nhà nước trong việc quản lý Internet và các trang mạng xã hội hiện nay.

Theo Dân trí

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.