Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm cơ quan báo chí (tập thể và cá nhân) đưa thông tin thiếu trung thực về chất lượng nước mắm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, nhất là nguyên liệu và quy trình sản xuất.
Bộ Công an điều tra và sớm công bố kết quả điều tra vụ việc liên quan đến chất lượng nước mắm do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9030/VPCP-KGVX ngày 22/10/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Cũng trong chỉ đạo điều hành ngày 4/11 của Chính phủ, cuối năm sẽ hoàn thành bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung bảo đảm đúng đối tượng, sát thực tế, công khai, minh bạch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; phấn đấu hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho nhân dân trước khi kết thúc năm 2016.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì khẩn trương hướng dẫn các địa phương việc xác định, thống kê thiệt hại của các đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 nhưng đến nay chưa thống kê, xác định được định mức thiệt hại; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của các địa phương trong đó có việc mở rộng phạm vi, đối tượng được bồi thường hỗ trợ thiệt hại đối với những trường hợp chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển và phù hợp với quy định, đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; hoàn chỉnh Đề án “Xác định thiệt hại để bồi thường; hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế”, trong đó có chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế, nuôi trồng san hô, cỏ biển, tái tạo môi trường biển sạch 04 tỉnh miền Trung.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của các tỉnh về định mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, đặc biệt là đối với các trường hợp thu mua tạm trữ hàng hải sản trong thời gian xảy ra sự cố, đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương chủ trì, tập trung triển khai ngay các biện pháp cần thiết để tiêu thụ hết các lô hàng hải sản tồn kho bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý các lô hàng hải sản tồn kho không bị nhiễm độc nhưng quá hạn sử dụng; đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng định mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các cá nhân, cơ sở thu mua tạm trữ hàng hải sản hiện đang bị tồn kho theo hướng hỗ trợ 100% tiền điện, 100% lãi suất và hỗ trợ chênh lệch giá bán... Đẩy mạnh hơn nữa việc huy động các doanh nghiệp tham gia vào việc chế biến, tiêu thụ hải sản tồn kho đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hải sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn quy trình, giám sát, các địa phương tiêu hủy các lô sản phẩm hải sản tồn kho được xác nhận không đảm bảo an toàn thực phẩm; hoàn chỉnh đề án thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc môi trường tại 04 tỉnh miền Trung; tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục việc quan trắc môi trường biển tại 04 tỉnh, cập nhật và công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đề người dân cả nước được biết và giám sát.
Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu hải sản khai thác ở tầng đáy trong vùng biển dưới 20 hải lý để xét nghiệm và công bố khi hải sản đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án dạy nghề hợp tác lao động cho người dân 04 tỉnh miền Trung.
UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế phối hợp với Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường công tác vận động quần chúng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo để cùng chung tay xây dựng đất nước; làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu chủ trương, đường lối chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành về giải quyết sự cố môi trường biển, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân; tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi xúi giục, kích động, gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ khẩn cấp gạo và tiền cho người dân; khẩn trương tổ chức chi trả số tiền ứng trước để bồi thường cho người dân trong những tuần đầu tháng 11/2016, bảo đảm sát thực tế, đúng đối tượng, công khai, minh bạch...
Mặc dù công việc khôi phục môi trường biển, thống kê thiệt hại rất phức tạp, phạm vi, khối lượng công việc lớn nhưng trong thời gian qua các Bộ, ngành và 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã rất quyết tâm, vào cuộc quyết liệt, triển khai có hiệu quả các công việc cần thiết, đến nay môi trường biển tại 4 tỉnh đã an toàn cho tắm biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản; đã bắt đầu chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân tại một số địa bàn.
T.Dương