Ngay từ năm 2009, một khảo sát đã cho thấy gần 355.000km trên tổng số hơn 1.560.000km sông ở Hoa Kỳ bị ô nhiễm do các hóa chất độc hại đổ xuống sông, bao gồm các kim loại nặng, đặc biệt là thủy ngân, thuốc trừ sâu, a-mô-ni-ắc và dầu…
Tương tự ở Anh, trước thời kỳ công nghiệp hóa, các dòng sông của nước này rất dồi dào nguồn cá, động vật không xương sống và các vi sinh vật. Thế nhưng cuộc cách mạng công nghiệp đã nhanh chóng biến nhiều dòng sông nơi đây thành những dòng chảy “chết”…
Bởi lẽ, chỉ một lượng nhỏ hóa chất độc hại thải ra môi trường, nhất là môi trường nước, cũng có thể tác động tiêu cực tới hệ sinh thái.
Và điều đáng nói là không như ô nhiễm không khí – có thể được giảm thiểu nhờ nỗ lực của con người – tình trạng nhiễm độc phân tán của các hệ sinh thái thủy sinh rất khó loại bỏ, xét trên cả phương diện kinh tế và kỹ thuật.
Do đó, cách duy nhất để phục hồi đa dạng sinh học ở những khu vực bị ảnh hưởng là chặn đứng nguồn ô nhiễm để các tiến trình sinh học, vật lý học, hóa học tự nhiên đủ thời gian (từ 10 – 50 năm) loại bỏ các độc chất ra khỏi môi trường, đồng thời thu hút sự trở lại của các sinh vật.
Những nỗ lực tương tự như thế đã được thực hiện thành công tại Mỹ và Anh.
Chặn đứng nguồn ô nhiễm
Ô nhiễm công nghiệp có thể xuất phát từ hai nguồn: nguồn điểm – như ô nhiễm từ các nhà máy, cơ sở công nghiệp, hoặc nguồn di động – dạng ô nhiễm không thể định vị như phát thải từ các hộ gia đình. Theo đó, các nước được khuyến cáo phân biệt rõ nguồn ô nhiễm, đồng thời thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu liên quan để có chiến lược xử lý phù hợp.
Hai giải pháp giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp đang được áp dụng phổ biến trong những năm gần đây là đầu tư xử lý rác, chất thải, nước thải công nghiệp; và hạn chế tiêu thụ hoặc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm.
Trên thực tế, nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Canada và Mỹ, đã triển khai hiệu quả hệ thống xử lý nước thải có khả năng loại bỏ hầu hết các hóa chất độc hại. Trong tương lai, công nghệ xử lý này vẫn có thể tiến xa hơn, ưu tiên sử dụng nấm hay vi khuẩn để làm sạch các hợp chất hữu cơ và kim loại nặng vốn dĩ khó loại bỏ bằng phương pháp thông thường. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải chỉ phát huy tác dụng nếu ô nhiễm đến từ nguồn điểm.
Còn giải pháp giảm tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm sẽ chỉ khả thi khi có sức ép mạnh mẽ từ phía chính phủ hoặc người tiêu dùng, bởi các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thường không có lợi ích ngắn hạn nào khi thực hiện việc này.
Trong bối cảnh đa số cơ sở công nghiệp chưa nhìn ra lợi ích lâu dài của việc giảm thiểu ô nhiễm thì động lực bền vững thúc đẩy họ làm điều này chính là gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hóa thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm.
Ngoài ra, chính phủ các nước cũng cần có những chiến lược cụ thể thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh hơn như thu phí bảo vệ môi trường, áp dụng cơ chế lưu trữ và thương mại các-bon…
Loại bỏ nhiễm độc và phục hồi môi trường
Trong trường hợp môi trường đã bị nhiễm độc nặng, giải pháp duy nhất là loại bỏ dần độc chất ra khỏi môi trường nhằm phục hồi các dịch vụ hệ sinh thái tại khu vực ô nhiễm. Lúc này, các phương pháp vật lý và hóa học, như thay đổi nồng độ a-xít, được khuyến cáo để giảm nguy cơ phơi nhiễm độc chất.
Vì quá trình phân hủy sinh học của nhiều vật liệu vô cơ mất nhiều thời gian nên cần được xử lý theo hướng phù hợp, chẳng hạn như sử dụng nấm, vi khuẩn để kích thích quá trình phân hủy sinh học hay áp dụng phương pháp điện động.
Sau khi loại trừ được nhiễm độc môi trường ở một khu vực, việc khôi phục các hệ sinh thái bản địa bằng cách khôi phục lại hệ động, thực vật ở những nơi trước đây từng bị ô nhiễm phá hủy là hết sức cần thiết. Song, việc phục hồi còn phụ thuộc vào số lượng động, thực vật còn lại tại môi trường ấy và các khu vực lân cận.
Thông thường, khi ô nhiễm xảy ra, các sinh vật lớn như động vật có vú, lưỡng cư hay cá có cơ chế di chuyển riêng để thoát khỏi ô nhiễm. Trong khi đó, nhiều loài sinh vật nhỏ hơn giữ vai trò thiết yếu để duy trì một hệ sinh thái như những côn trùng nhỏ hay vi khuẩn lại không thể tự mình cứu mình mà phải dựa vào gió, mưa, dòng nước hay nhờ các sinh vật khác đưa tới nơi cư trú an toàn.
Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các sinh vật này có thể di chuyển sang môi trường mới thì cũng không có gì đảm bảo rằng môi trường đó sẽ không bị ô nhiễm công nghiệp đe dọa trong tương lai. Chính vì thế mà việc quy hoạch phát triển công nghiệp cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Theo DĐĐT/Mission 2015