Thời gian qua, dự án thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản đã nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là người dân Thủ đô sinh sống quanh khu vực sông đều kỳ vọng dự án này có thể hồi sinh dòng sông chết bao lâu nay.
Được biết, JEBO đã đưa ra giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả thải ra sông để xử lý cả sông Tô Lịch bằng công nghệ này.
Mới đây, JEBO cũng cho hay sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây thành công thì cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành. Nhưng, nhiều chuyên gia về thuỷ lợi lại cho rằng để làm sạch được dòng sông Tô Lịch này cần phải mất nhiều thời gian. Họ cũng đang nghi ngại về công nghệ làm sạch này, đồng thời việc chuyển giao cho Hà Nội quản lý chi phí ai sẽ bỏ ra, ai sẽ là người được hưởng lợi?
Trước những vấn đề đang nhận được ý kiến trái chiều của dư luận, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Khải (Khải Ozone), chuyên gia vật lý học.
Thưa ông, dự án thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản nhận được sự quan tâm của dư luận, ông có đánh giá như thế nào về công nghệ xử lý nước ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor?
Đầu tiên, tôi không hiểu công nghệ của Nhật Bản là gì, kết quả cụ thể là các thông số kỹ thuật như thế nào. Ví dụ, khí Nano là khí gì? Đá núi lửa thành phần là gì?
Họ xử lý bằng khí Nano vậy đó là khí gì? Đá núi lửa có thành phần hoá học như thế nào? phải có tên trong bảng tuần hoàn hoá học thì tôi mới biết được, mới đánh giá được. Đằng này tôi chưa nắm được.
Theo ông, dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch của Nhật Bản liệu có khả thi và có khiến dòng sông Tô Lịch được hồi sinh?
Tôi không phải là người tham dự chứng kiến dự án thử nghiệm này, nhưng để làm sạch được sông Tô Lịch, tôi thấy phía Nhật Bản phải xử lý được tận nguồn, có nghĩa là xử lý ở đầu cống trước khi chảy vào sông Tô Lịch.
Cho nên, tôi cho rằng cần công bố thành phần sau khi xử lý nước bằng công nghệ của Nhật Bản, công bố giá tiền xử lý một mét khối nước. Bởi, sau khi xử lý toàn bộ sông Tô Lịch xong và chuyển giao công nghệ thì chi phí ai sẽ là người bỏ ra? Ai là người được hưởng? Rõ ràng, người dân đóng thuế, người dân được hưởng nhưng người dân cũng cần được biết khí đó, chất đó có tốt hay không chứ không thể bắt người dân dùng nước như nước sông Đà thời gian qua.
Vì thế, dự án này khó khả thi, còn muốn thực hiện được đầu tiên phải công khai minh bạch.
Tôi rất muốn, nếu có hội thảo về xử lý nước thải ở Hà Nội nói chung, trong đó có nước sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ thì đề nghị công bố rộng rãi để các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, thuỷ lợi biết, cùng tham dự lắng nghe, đóng góp ý kiến. Chứ không thể tranh cãi nhau việc xử lý nước sông Tô Lịch trên sao hoả, mà cần phải có số liệu, thành phần xử lý nước công bố một cách rõ ràng.
Là một nhà khoa học, chuyên nghiên cứu về vật lý, xử lý nước sạch, cá nhân ông có giải pháp như thế nào giúp sông Tô Lịch trở nên xanh trong?
Nếu là tôi, tôi sẽ xử lý nước thải trong hẻm, ra ngách, ngõ, ra phố sạch rồi mới cho nước chảy ra sông Tô Lịch. Có nghĩa là xử lý nước thải trong hẻm sạch rồi, thì ra phố, ra sông Tô Lịch mới sạch được.
Theo tôi, quần chúng làm nên lịch sử, tạo nên khoa học kỹ thuật. Nên, tôi đề nghị, phát động phong trào các chuyên gia nào, nhà khoa học nào có sáng kiến, có khả năng làm sạch sông Tô Lịch thì hãy đảm nhận làm từ nhà ra hẻm, ra ngõ thì sông Tô Lịch sẽ sạch. Tôi xin đảm nhận đầu tiên, sẽ làm từ nhà cho đến sông Lừ, sông Tô Lịch. Khi đã sạch từ trong nhà thì nước sông sẽ không còn bẩn.
Xin cảm ơn ông!