Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét với Bùi Quang Huy, 45 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, để điều tra về tội Buôn lậu theo khoản 4 điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 211 Bộ luật Hình sự 2015.
Liên quan vụ án, 8 người khác bị khởi tố, tạm giam về cùng tội danh với vai trò đồng phạm. Cơ quan điều tra cáo buộc ông Huy cầm đầu đường dây tội phạm có tổ chức. Ông và các đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu xuyên quốc gia; lập, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.
Trong thông báo khởi tố, nhà chức trách cho hay đã thu giữ hàng nghìn điện thoại di động, iPad, phụ kiện điện tử các loại...
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm về việc xử lý lô hàng “khủng” trên như sau: Với những hàng hóa tồn kho của Nhật Cường Mobile thì cơ quan điều tra sẽ xác minh nguồn gốc và giá trị pháp lý của những lô hàng này.
Trong trường hợp những lô hàng này không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ thì có thể xác định là hàng lậu và có thể bị thu giữ xử lý theo quy định pháp luật. Còn trường hợp những lô hàng tồn kho đó là hàng có nguồn gốc, có chứng từ hóa đơn thì phải trả lại cho doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp này đang vi phạm quy định về kinh doanh, người đứng đầu và một số cá nhân đang bị khởi tố về tội buôn lậu và tội vi phạm quy định quản lý về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Bởi vậy, tất cả những hàng hóa vi phạm sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định pháp luật... Còn những hàng hóa nào hợp pháp, có hóa đơn chứng từ thì sẽ không có cơ sở để thu giữ.
Để xác định hàng hóa đó có hợp pháp hay không thì cơ quan điều tra phải yêu cầu doanh nghiệp lại xuất trình các hóa đơn, chứng từ liên quan đến những hàng hóa mà doanh nghiệp này đang quản lý.
Các hàng hóa là hàng ký gửi của khách hàng, hàng khách hàng mang đến để sửa chữa mà có nguồn gốc rõ ràng thì sẽ trả lại cho khách hàng. Trường hợp hàng hóa mua bán bất hợp pháp, có nguồn gốc là hàng nhập lậu thì vẫn phải thu hồi.
Cũng nêu quan điểm về nội dung này, luật sư Nguyễn Hưng – Công ty Luật The Light (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong trường hợp không có tài liệu chứng minh số hàng hóa nhập khẩu của công ty Nhật Cường là mua bán hợp pháp, kê khai hải quan và đóng thuế nhập khẩu thì đồng nghĩa với việc số hàng hóa này là tang vật trong vụ án Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tại khoản 5 Điều 188 - Tội buôn lậu và khoản 4 Điều 221 - Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, thì người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản phạm pháp.
“Còn trong trường hợp có đủ giấy tờ, hoá đơn, chứng từ chứng minh số hàng hóa của công ty Nhật Cường là hợp pháp, cơ quan chức năng phải trả lại cho doanh nghiệp. Bởi trong trường hợp này, cơ quan điều tra chỉ xem xét hành vi phạm tội của cá nhân chứ không phải pháp nhân”, luật sư Hưng nói.