Mới đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra vụ giết người, cướp xe taxi đặc biệt nghiêm trọng.
Nạn nhân là ông Nguyễn Hùng M. (SN 1967, trú số 115 đường Lê Hồng Phong, phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn), bị 3 đối tượng người nước ngoài sát hại.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai đều là người Trung Quốc, gồm: Vương Học Lỗi (SN 1996, trú Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc); Vương Đông Đường, (SN 1993, trú tỉnh Cam Túc); Trương Kiện (SN 2001, trú Bắc Hội, tỉnh Quảng Đông).
Để có tiền tiêu xài, các đối tượng đã lên kế hoạch giết người, cướp tài sản ngay trên xe bằng tiếng Trung. Bọn chúng khống chế, đâm 3, 4 nhát vào đùi, người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó các đối tượng điều khiển xe ô tô cướp của ông M. đi về tỉnh Phú Thọ sau đó đến huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Trước câu hỏi, xử lý các đối tượng nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam như thế nào, luật sư Nguyễn Ánh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Về nguyên tắc, công dân nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, trừ đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo Luật Điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế.
Theo quan điểm của luật sư, trường hợp 03 công dân Trung Quốc phạm tội Giết người và Cướp tài sản trên lãnh thổ Việt Nam tại địa bàn tỉnh Sơn La là nơi thực hiện tội phạm sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Công An Tỉnh Sơn La theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
“Khi Cơ quan CSĐT Công An tỉnh Sơn La có căn cứ xác định 03 đối tượng quốc tịch Trung Quốc đã có hành vi sát hại lái xe taxi để chiếm đoạt tài sản sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 03 bị can về tội Giết người và Cướp tài sản”, luật sư Thơm cho biết.
Về thủ tục ngoại giao liên quan đến công dân nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, theo quan điểm luật sư, cơ quan điều tra sẽ thông báo bằng văn bản với Cục lãnh sự bộ Ngoại giao về việc bắt giữ 03 công dân quốc tịch Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, Cục lãnh sự sẽ gửi thông báo này đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để bảo hộ công dân của họ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc có thể gửi Công hàm ngoại giao để được thăm gặp 03 công dân, tìm hiểu sự việc hoặc tư vấn hỗ trợ mời Luật sư bào chữa.
“Một số Đại sứ quán thường hay hợp tác với Luật sư trong công việc tư vấn pháp luật và bảo vệ công dân họ làm việc trên lãnh thổ Việt Nam”, luật sư Thơm nói.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, để có căn cứ xử lý các đối tượng, Cơ quan CSĐT sẽ đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc cung cấp lý lịch nhân thân các bị can để xác định quốc tịch, nơi cư trú, bố, mẹ, vợ, con, tiền án, tiền sự,... Trong một số trường hợp có đối tượng không có giấy tờ tùy thân như Hộ chiếu thì việc xác minh qua Đại sứ quán sẽ mất nhiều thời gian.
Về hành vi của các đối tượng được luật sư Thơm nhận định là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Các đối tượng thực hiện tội phạm có tính chất côn đồ, coi thường tính mạng của người khác. Hành vi của 3 nghi phạm người Trung Quốc có đủ yếu tố cấu thành tội Giết người và Cướp tài sản và có thể đối diện mức án cao nhất là tử hình về hai tội danh.