Cụ thể, vào khoảng 3h30 ngày 26/4, anh H.Q.B. điều khiển xe ô tô chở chị N.T.H.H (21 tuổi, quê Đồng Nai) lưu thông trên xa lộ Hà Nội (hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai).
Khi đổ dốc cầu Rạch Chiếc (thuộc phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM), anh B. dừng xe sát lề đường để đi vệ sinh. Thời điểm này Nguyễn Thế Ngọc (27 tuổi, ngụ quận 9) điều khiển xe máy chở một đối tượng (chưa rõ lai lịch) áp sát xe ô tô của anh B. sau đó mở cửa giật túi xách của chị H. Cả 2 tăng ga tháo chạy về hướng Đồng Nai.
Chị H. truy hô, anh B. lên xe ô tô và truy đuổi theo 2 đối tượng. Ngọc cho xe máy chạy vào đường Nam Hòa rồi rẽ vào đường Thủy Lợi nhưng do đường Thủy Lợi là đường cụt nên anh B. đuổi kịp 2 đối tượng.
Anh B. đã va chạm xe ô tô vào xe gắn máy của Ngọc khiến chiếc xe máy bay thẳng vào tường, Ngọc và đồng bọn bị thương. Ngọc bị anh B. và người dân khống chế, riêng đối tượng còn lại tẩu thoát.
Công an phường Phước Long A đưa Ngọc về trụ sở lấy lời khai. Tuy nhiên làm việc được một lúc thì Ngọc có biểu hiện bất thường nên công an phường đưa Ngọc vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau Ngọc tử vong trong bệnh viện.
Trước thông tin sự việc nêu trên, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) đưa ra quan điểm:
“Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới được BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 24. Việc quy định này phù hợp với lý luận về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đang đặt ra hiện nay.
Luật sư Bình cũng phân tích, chống tội phạm là phải dựa vào sức mạnh của toàn dân. Thực tiễn cho thấy, nhiều người dân còn e ngại khi tham gia bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội vì nhiều lý do khác nhau như sợ bị trả thù, sợ rắc rối... Vì thế, việc quy định loại trừ TNHS trong trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội đã khuyến khích người dân chủ động đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ thực hiện hành vi phạm tội. Điều 24 quy định gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội như sau:
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và áp giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Như vậy, để có cơ sở loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này cho tài xế lái xe ô tô thì cơ quan điều tra cần phải chứng minh tài xế này có vượt quá mức cần thiết hay không, nguyên nhân tử vong?
Ví dụ như việc đụng xe đó là hai tên cướp thắng gấp bất ngờ, sự việc truy đuổi là liên tục hay có ngừng lại sau đó mới tông xe vào hai tên cướp hoặc một trong hai tên cướp chết vì nguyên nhân nào khác...
Nếu vượt quá mức cần thiết, anh B. phải chịu tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 134, Bộ luật hình sự.
"Tuy nhiên, giả sử trong trường hợp này do vượt quá và phải chịu trách nhiệm hình sự thì anh B. cũng được hưởng nhiều tình tiết khoan hồng theo quy định pháp luật", luật sư Bình nói.
Cũng theo luật sư Bình: "Về việc khởi tố vụ án khi một trong hai tên cướp đã chết thì theo Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự quy định các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, trong đó không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ như người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. Do đó, vụ án vẫn phải khởi tố và Cơ quan điều tra cần phải điều tra tên còn lại là ai?".