Theo báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023", Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 14 cuộc kiểm toán, 1 chuyên đề kiểm toán tại 26 địa phương.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính về đất 5.379 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 4.700 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 678 tỷ đồng), kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý có nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán.
Trong tổng số 398 kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, 187 kiến nghị đã thực hiện, 82 kiến nghị đang thực hiện, 129 kiến nghị chưa thực hiện.
Bộ Tài chính đã có 13 kết luận thanh tra tại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản, tổng số tiền được kiến nghị xử lý qua thanh tra là 1.182,8 tỷ đồng, (thu nộp vào ngân sách Nhà nước 255,7 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 999,8 tỷ đồng).
6 kết luận thanh tra có nội dung kiến nghị đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thanh tra trong lĩnh vực thanh tra hành chính, tổng số tiền thuế đã kiến nghị truy thu nộp ngân sách số tiền là 237,4 tỷ đồng (chủ yếu trong việc kê khai và nộp thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi…).
Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản của 51 cá nhân và 2 kênh truyền thông mạng xã hội; trao đổi, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ mạng rà soát, gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 1.600 tin, bài có nội dung phức tạp, sai sự thật trên mạng xã hội.
Bộ Công an đã khởi tố 376 vụ án với 510 bị can có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó chủ yếu là các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh bất động sản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an nhận diện những vấn đề phức tạp, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bất động sản gồm: trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; kinh doanh loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch; đấu giá quyền sử dụng đất; huy động vốn, bán nhà tại các dự án bất động sản khi chưa đủ điều kiện; vi phạm quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng; tham nhũng trong việc phê duyệt dự án, đấu thầu thi công, thi công các công trình xây dựng, nâng giá qua việc mua bán, nhập khẩu máy móc, thiết bị thi công công trình; vi phạm trong hoạt động đấu thầu.
Hay một số doanh nghiệp Nhà nước định giá trị doanh nghiệp không đúng, thấp hơn giá trị thực tế, nhiều tài sản là đất đai, bất động sản có giá trị không được đưa vào để tiến hành cổ phần hóa, liên kết với doanh nghiệp tư nhân sau đó thoái một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước; sai phạm trong đầu tư bất động sản.
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến dự án bất động sản và nhà ở xã hội đối với 468 vụ án/841 bị can liên quan đến dự án bất động sản và nhà ở xã hội; đã kiểm sát việc xử lý, giải quyết: 346 vụ/ 693 bị can; số vụ án cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra 55 vụ/34 bị can; số vụ án cơ quan điều tra đình chỉ điều tra 3 vụ/1 bị can.
Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 231 vụ với 840 bị cáo về các tội phạm vi phạm việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; đã giải quyết, xét xử 226 vụ với 821 bị cáo (đạt tỉ lệ 97,8% về số vụ, 97,7% về số bị cáo).
Trong số 218 vụ với 804 bị cáo đã xét xử, đã xử phạt 23 bị cáo tù chung thân và tử hình, 87 bị cáo tù trên 15 năm đến 20 năm, 169 bị cáo tù trên 7 năm đến 15 năm, 270 bị cáo tù trên 3 năm đến 7 năm, 171 bị cáo tù từ 3 năm trở xuống, còn lại là hình phạt khác.
Tổng số vụ việc phải thi hành án liên quan đến các dự án bất động sản và nhà ở xã hội là 841 vụ việc, tương ứng số tiền phải thi hành là hơn 1.409 tỷ đồng.
Trong đó, 840 vụ việc liên quan đến thi hành dự án bất động sản và 1 vụ việc liên quan đến nhà ở xã hội, tập trung tại tỉnh Long An (649 vụ việc, tương ứng hơn 195 tỷ đồng); Tp.HCM (159 vụ việc, tương ứng khoảng 803,6 tỷ đồng).
Đã thi hành án xong đối với 6 vụ việc, tương ứng khoảng 318,68 tỷ đồng (đạt 0,71% về việc; 22,61% về tiền); chưa thi hành xong 835 vụ việc, tương ứng khoảng 1.090,5 tỷ đồng (đạt 99,29% về việc; 77,39% về tiền).