UBND tỉnh Yên Bái vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ về kết quả xử lý sau thanh tra liên quan đến vụ "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái.
Theo đó, ông Phạm Sỹ Quý bị phạt 507 triệu đồng vì biệt phủ của gia đình ông xây dựng sai phép và không phép. Ông này phải nộp thêm khoản phạt trên 50 triệu đồng do chậm nộp thuế.
Sau khi nộp phạt, công trình trên được tiếp tục cho tồn tại.
Tờ Vneconomy đăng ý kiến của ông Chu Đình Ngữ - Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái: "Tuỳ theo tính chất vi phạm thì sẽ có hướng xử lý, tuy nhiên quy định của pháp luật cho phép xử lý hành chính”.
Trên tờ VOV, ông Đỗ Văn Ân – nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ nhận thấy hình thức xử lý vụ việc này “rất kỳ lạ”.
Theo ông, “công trình xây dựng không phép hoặc sai phép thì phải phá dỡ. Xử phạt hành chính để cho tồn tại, nếu vậy người nào có tiền thì có được vượt qua pháp luật không?”.
Theo ông Đỗ Văn Ân, việc một cán bộ lãnh đạo mà thiếu trung thực, minh bạch, trong khi hình thức xử lý là cảnh cáo và xử phạt hành chính thì dư luận sẽ đặt câu hỏi liệu có sự “chống lưng, nâng đỡ” hay không?
“Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết tâm chống tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân thì việc xử lý kỷ luật ông Quý ở Yên Bái không thỏa đáng ở chỗ, cán bộ vi phạm pháp luật nhưng bị xử phạt hành chính để cho tồn tại thì không đúng.
Cán bộ lãnh đạo không trung thực trong kê khai tài sản, không trung thực trong việc đóng thuế, vay tiền mà vẫn được sử dụng làm lãnh đạo trong một cơ quan cấp tỉnh thì ai còn tin tỉnh nữa. Cán bộ đã gian dối thì dân sẽ không còn niềm tin” – ông Đỗ Văn Ân cho hay.
Trên tờ Người lao động đăng ý kiến của TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Liêm cũng cho rằng việc xử phạt các công trình vi phạm bên trong "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý cần xem xét ở 2 góc độ.
Về góc độ xây dựng, việc xử phạt cho tồn tại là để triệt tiêu lợi nhuận sinh ra từ những công trình sai phép, không phép. "Căn cứ theo quy định, mức xử phạt này cao hơn gấp nhiều lần so với lợi nhuận từ các hạng mục sai phép để bảo đảm tính răn đe" – TS. Liêm nhận định.
Tuy nhiên, về góc độ công trình vi phạm của một quan chức, theo quan điểm của ông Liêm, xử phạt để cho tồn tại sẽ khiến dư luận bức xúc, nhất là khi nhiều người hoài nghi về nguồn gốc khối tài sản này.
"Phạt chỉ là vấn đề phụ, truy nguồn gốc khối tài sản của vị quan chức này mới là chính" - nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc làm rõ nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, yêu cầu giải trình cụ thể, tài sản nào không chứng minh được nguồn gốc thì cần thiết phải thu hồi.
Thành Huế (tổng hợp)