Đó là một nét mới sau những thành công bước đầu mà chúng ta có được và cần tiếp tục phát huy.
Hôm 30/6 vừa qua, một "Hội nghị Diên hồng" thực sự với 81.000 đại biểu tham dự trên cả nước thông qua trực tuyến nối với đầu cầu Hà Nội quả là rất đặc biệt. Điều này đã cho thấy sự hệ trọng của việc phòng chống tham nhũng tiêu cực đối với Đảng, Nhà nước, bởi nó liên quan đến sự tồn vong của cả một chế độ.
Có lẽ thành công quan trọng nhất sau 10 năm qua, theo cá nhân tôi, đó chính là việc thông qua những hiệu quả hoạt động của công tác này trong vài năm gần đây với tinh thần xử lý sai phạm không có ngoại lệ, không có vùng cấm với bất cứ ai. Điều này đã tạo nên trong toàn Đảng, toàn dân một niềm tin đặc biệt to lớn vào sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng ta và của Tập thể Bộ Chính trị trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông làm Trưởng ban Chỉ đạo nói trên thay vì trước đây công việc này được trao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo...
Đặc biệt nữa là còn ở chỗ, nó gián tiếp bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối khi họ cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".
Trong 10 năm qua, cấp ủy, Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đặc biệt, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 6 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư tỉnh, thành ủy, 8 chủ tịch tỉnh, thành phố đã bị xử lý hình sự. Gần 61.000/175.000 tỷ đồng được thu hồi, đạt tỉ lệ gần 34,7%.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Để đạt mục tiêu "không thể tham nhũng tiêu cực", thể chế của chúng ta ngày càng được hoàn thiện. Đó là một cố gắng cực lớn cần được ghi nhận.
Nhưng để có thể làm được điều này, 10 năm qua, Trung ương Đảng đã ban hành hơn 250 Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Quy chế; Quốc hội cũng ban hành, sửa đổi, bổ sung 165 luật, 10 pháp lệnh; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 1.500 Nghị định, 545 Quyết định và nhiều Nghị quyết. Có vậy thì chúng ta mới có được những kết quả và số liệu tích cực nói trên.
Với quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây được đẩy mạnh chưa từng có. Nó mang lại những kết quả mang tính bước ngoặt rất quan trọng, đặc biệt là nếu so với thời kỳ trước khi có Ban chỉ đạo Trung ương ra đời mà trực tiếp do Tổng Bí thư trực tiếp đảm trách.
Tại Hội nghị ngày 30/6 nói trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng mà cả hệ thống chính trị đã nhập cuộc và bước đầu đã lấy được niềm tin của người dân. Tới đây, để làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, trong đó có việc thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".
Tôi nghĩ, những điều nói trên đều rất đúng.
Song cũng có ý kiến tại Hội nghị cho rằng Đảng ta và Tổng Bí thư nên ủng hộ chủ trương thu hồi tài sản của những kẻ tham nhũng mà giảm bớt tội hình sự. Về ý kiến này, tôi e rằng đây chưa phải là lúc nên làm dù có thể là một hướng cần bàn và đối tượng nào thì được giảm án, đối tượng nào thì không nên.
Tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Tôi nghe nói, quan điểm trên cũng có một số ý kiến tán đồng. Cá nhân người viết bài này cho rằng, lúc này cũng chưa thật thích hợp dù cũng có ý nên suy nghĩ.
Tôi cũng hiểu, nói như ông Trí thì cách làm trên sẽ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa. Ông Trí cũng cho rằng cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục.
Song, có lẽ với người dân thì hình như quan điểm nói trên chưa hẳn đã được ủng hộ nhiều lắm. Nếu như vụ lũng đoạn, thao túng, gian trá, làm giá từ khâu nghiên cứu đến mua sắm kit test Việt Á vừa rồi, nếu cứ xử nhẹ chỉ do họ đã nộp lại tài sản tham nhũng thì e rằng chưa được.
Nói như Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tại Hội nghị đã dẫn chứng rằng bài học răn đe khi xảy ra và xử lý nghiêm khắc vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội hồi tháng 4/2020 khi họ vi phạm lúc dịch bệnh đầy nguy kịch hoá ra "vẫn chưa làm họ biết sợ", ông Duy Ngọc nói.
Từ đó, ông Duy Ngọc kiến nghị các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
"Trước mắt, những văn bản pháp luật đang có sơ hở, dễ bị lợi dụng thì cần rà soát thông báo công khai thời gian sửa đổi để mọi người biết, cảnh giác khi áp dụng", ông Duy Ngọc đề xuất.
Bên cạnh việc làm sao để cán bộ không dám tham nhũng (sợ bị trị tội nặng như bị tuyên tử hình hoặc chung thân), hiện đối tượng dính tham nhũng tại nước ta quá hiếm người bị tử hình, bị mức án chung thân (?). Đây có lẽ là điều cần xem lại nếu họ không thấy hiển hiện những tấm gương tày liếp trong xã hội đã bị nghiêm trị thật nặng thì sao có thể khiến họ chùn tay?
Theo tôi, việc giảm tội hình sự cho kẻ tham nhũng đã thành thật, nghiêm túc khai báo ngay từ đầu và chủ động hoàn trả lại tài sản tham nhũng thì có lẽ cũng có thể là tình tiết giảm nhẹ mức án, bớt án tử hình...
Song để có thể giảm nhẹ mức án theo khung hình phạt quy định, cần tịch thu thêm một phần tài sản nữa ngoài phần đã nộp đủ về kho bạc Nhà nước do tham nhũng mà có. Ví dụ như để mong được nhẹ tội, người phạm tội cần nộp tương tự một khoản tiền như vậy nữa, thậm chí nộp gấp đôi, gấp ba... số tiền tham nhũng đã bị toà tuyên án buộc phải trả nếu thấy nghiêm trọng và gia cảnh có dấu hiệu giàu bất minh.
Muốn vậy, khi mới quyết định điều tra thì đã có chế tài phong toả tài sản để tránh tẩu tán. Kèm theo đó là sẽ bị quản thúc tại nhà không được rời khỏi địa phương một khoảng thời gian dài bao lâu đó, tương tự như mức án của luật hình sự hiện tại.
Mục đích cũng là có thêm nhiều các chế tài răn đe, giáo dục, cả về kinh tế lẫn tinh thần, danh dự khiến họ dù có được ở ngoài xã hội thì cũng biết xấu hổ trước bàn dân thiên hạ.
Tức là, thay vì việc bị tù nhiều năm như luật hình sự đã định thì lúc này, khi bị tuyên ít năm hơn vẫn còn chế tài "quản thúc". Tôi cho rằng khi mà ý thức về sự liêm sỉ cũng như đức liêm chính của một bộ phận không nhỏ cán bộ thực thi công vụ đang xuống cấp đến mức trầm trọng thì nên chăng vẫn cần phải nặng nhưng là hình thức gọi là "nặng" kia, đó là những hình thức xử phạt khác mà tôi đề xuất.
Nếu các cơ quan pháp luật có nghiên cứu đề xuất với Đảng để sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng với mục đích để giảm bớt án hình sự do tham nhũng thì nên nghiên cứu đề xuất sửa luật theo hướng này. Nếu không thì khác gì chúng ta đã và đang bày cách cho các công bộc của dân chủ động nghĩ kế "hy sinh đời bố củng cố đời con".
Quốc Phong
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.