Ý kiến của các chuyên gia xung quanh việc quản lý thuốc nổ
Ba bộ “quản” vẫn...“lỏng”
"Trong Luật phòng cháy, chữa cháy cũng như Pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, cộng cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ 1/11/2012) quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành. Về việc quản lý chất nổ, 3 bộ chịu trách nhiệm chính là bộ Công An, bộ Quốc Phòng và bộ Công Thương. Tuy nhiên, để việc mua bán chất nổ thực hiện dễ dàng như vậy đúng là vấn đề quản lý phải được đặt dấu hỏi. Bộ Công Thương quản lý như thế nào trong khi chất cháy nổ trôi nổi trên thị trường. Chính quyền địa phương giám sát chưa nghiêm dẫn đến việc mua - bán vài kg thuốc nổ dễ như trở bàn tay. Mặc dù chúng ta có những quy định xử phạt nặng nhưng theo tôi, xử phạt cũng chỉ là phần ngọn, gốc rễ của vấn đề là cơ chế quản lý, giám sát", TS Hồ Trọng Ngũ - Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội
Xử lý nghiêm nguồn cung thuốc nổ
"Có thể nói, cho đến nay, pháp luật đã có những quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Quy định tại Pháp lệnh số 16 cho thấy, không phải ai cũng có thể được phép mua bán loại hàng hóa đặc biệt này. Điều 232 Bộ luật hình sự quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Đối với tội này, mức hình phạt được quy định thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là tù chung thân. Tuy nhiên, việc quản lý thuốc nổ sử dụng trong công nghiệp như khai thác đá dường như chưa chặt chẽ. Vì thế, mới có nhiều vụ án liên quan đến sử dụng các loại chất nổ nguy hiểm. Qua đó, cần phải quản lý chặt và xử lý nghiêm nguồn cung thuốc nổ”, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH luật sư Fanci.
Ảnh: NLĐ
Kẽ hở từ các công trình “đặc quyền”
"Thuốc nổ là một trong những hàng hóa mua bán có điều kiện và phải được cấp phép. Rõ ràng chúng ta đã có những quy định khá chặt chẽ nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều vụ sử dụng thuốc nổ để gây án xảy ra. Điều đó cho thấy khâu quản lý vật liệu cháy, vật liệu nổ ở Việt Nam còn có nhiều kẽ hở. Đặc biệt, việc quản lý thuốc nổ công nghiệp tại các công ty khai thác đá, khai thác khoáng sản ở các khu vực ven Hà Nội. Cũng không quá khó để các công nhân khai thác đá tuồn thuốc nổ ra ngoài bán, thu lợi bất chính với mức 200.000 đồng/kg. Họ có thể ăn gian mũi khoan đặt thuốc nổ, khai khống khối lượng thuốc nổ sử dụng. Đây chính là lý do thuốc nổ đang được mua bán dễ dàng trên thị trường", Anh Nguyễn Văn Hòa (Phú Thọ)
Hành vi cực kỳ nghiêm trọng
"Trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cũng xảy ra một số vụ nổ nhưng trọng lượng quả nổ nhỏ, trung bình 200 gram - 300 gram chủ yếu mang tính chất cảnh báo, nhằm đe dọa, dằn mặt nhau. Trong khi đó, vụ cướp tiệm vàng đối tượng sử dụng tới hơn 4 kg thuốc nổ. Tuy là thuốc nổ công nghiệp nhưng so với các phương tiện gây án khác thì sức công phá của nó là vô cùng lớn và hành vi là cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì thế mà công an Hà Nội và công an cả nước đã tập trung mạnh đấu tranh chống loại tội phạm sử dụng thuốc nổ và các loại vũ khí lựu đạn. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều về quản lý vật liệu nổ sử dụng trong công nghiệp, nhất là các đơn vị khai thác đá”, Đại tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP. Hà Nội.
Không nên để dân tụ tập ở vùng nguy hiểm
"Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ phạm tội có sử dụng chất nổ. Rõ ràng, việc quản lý loại hàng hóa đặc biệt này còn nhiều kẽ hở. Đặc biệt là sau vụ sử dụng thuốc nổ để cướp tiệm vàng. Tuy nhiên, việc người dân hiếu kỳ tập trung quá đông tại đây sau khi khối thuốc nổ thứ nhất phát nổ và khối thuốc thứ 2 vẫn còn ở đó có thể tạo ra rất nhiều nguy hiểm. Ở ngước ngoài khi gặp vụ nổ mìn, họ sẽ khẩn trương sơ tán mọi người khỏi khu vực nguy hiểm của hiện trường. Nhiệm vụ của nhà chức trách cũng vì vậy mà thuận lợi hơn và con số thương vong sẽ giữ được ở mức thấp nhất. Còn ở Việt Nam lại khác hẳn. Thực sự là sự hiểu biết và ý thức của người dân về an toàn tính mạng cho chính bản thân mình còn cực kỳ hạn chế", chị Nguyễn Thị Huệ, nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội.
Chỉ hạn chế tiền chất chất nổ thì chưa đủ
"Không chỉ thuốc nổ, với việc quản lý hóa chất lỏng lẻo như ở Hà Nội hiện nay, các đối tượng xấu, hiểu biết về hóa học có thể dễ dàng nhào trộn hóa chất để chế quả nổ. Tôi được biết, các loại chất như: Amoni nitrat (NH4NO3); Natri nitrat (NaNO3); Kali clorat (KCLO3) đã được Chính phủ đưa vào danh mục chất hạn chế kinh doanh. Bên cạnh dùng làm tiền chất thuốc nổ, các hóa chất này còn phục vụ hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế chính vì thế chỉ có thể chỉ có thể hạn chế và quản lý chặt, chứ không thể cấm. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp lén lút nhập khẩu các chất cấm về buôn bán, kiếm lời. Vì vậy, nếu chỉ hạn chế mà không siết chặt quản lý tiền chất chất nổ thì không thể ngăn được những vụ việc đáng tiếc xảy ra", TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải.
Giang - Thơm