Điều 8 dự thảo nghị định nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, xí nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung”.
Bà Lê Thị Mỹ Ngọc (40/10 Nguyễn Văn Linh, P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) nói: “Chẳng ai để rác trước cửa nhà mình nên quy định này khó khả thi. Mà xưa nay cũng có ai quy định về quét dọn rác đâu, chỉ nghe giữ gìn vệ sinh nhà cửa, khu dân cư, nơi công cộng mà thôi. Cần xem lại quy định này”.
Những bãi rác tự phát nằm xung quanh nhà như thế này thì sẽ xử phạt chủ nhà bên cạnh?
Bạn đọc Nguyễn Thị Chín, đường số 54, khu dân cư Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM lại thắc mắc về khái niệm “rác xung quanh nhà”. “Như khu dân cư chúng tôi, những hộ mua nền chưa xây nhà bỏ đất trống và bỗng dưng trở thành bãi rác tự phát do nhiều người dân thiếu ý thức tạo ra. Nếu theo quy định này thì phải phạt nhà ở cạnh bãi rác tự phát này (do rác ở xung quanh nhà họ). Vậy căn cứ nào để phạt? Rác đó đâu phải nằm trên đất của họ và cũng không phải do họ gây nên”, bà Nguyễn Thị Chín nói và kiến nghị: “Thiết nghĩ, luật pháp phải căn cứ trên thực tế, những quy định không sâu sát với đời sống người dân thì nên bãi bỏ”.
Cũng tại điều 8, điểm C, khoản 2 nêu: “Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư...”. Bà Lê Thị Nga ở chợ Thị Nghè, Q.Bình Thạnh, TP.HCM góp ý: “Theo tôi, nên quy định là tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng để có cơ sở xử phạt rõ ràng. Ở khu vực công viên dọc bờ kè, trước mặt chợ Thị Nghè, người buôn bán ở chợ, người dân tiểu tiện, đại tiện tràn lan, thậm chí họ còn phóng uế bừa bãi ngay cạnh bia ghi công Thị Nghè mà chẳng thấy ai xử phạt. Ngoài ra, cần hướng dẫn cụ thể cách thức để xử phạt, ai xử phạt, người dân chứng kiến, quay phim, chụp ảnh lại gửi cơ quan chức năng để phạt nguội có được không?”.
Theo Thanh Đông (Thanhnien.com.vn)