Mới đây, tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hoà) xảy ra vụ "chém đẹp" khách du lịch nước ngoài của nhà hàng Hưng Phát lên tới 9,2 triệu đồng trong đó có nhiều món ăn với giá "cắt cổ" như: Đậu Hà Lan xào tỏi 300.000 đồng/phần; cơm trắng 200.000 đồng/phần, trứng xào cà chua giá 500.000 đồng/phần.
Chưa qua scandal nhà hàng “chém đẹp” trên thì lại đến chuyện nhà hàng Tháp Bà Làng Chài trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Nha Trang) “cắt cổ du khách” với phần khổ qua xào giá 500.000 đồng/2 đĩa, mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa và su su 250.000 đồng/đĩa… tổng hóa đơn 16,455 triệu đồng.
Ngay sau khi thông tin những món ăn chẳng thuộc hàng “nem công, chả phượng” mà lại có giá trên trời ấy được lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc thì cơ quan chức năng đã vào cuộc. Và ngày 12/2, lãnh đạo TP.Nha Trang báo cáo với ông Trương Hải Đắc, quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Nha Trang cho biết, nhà hàng Tháp Bà Làng Chài trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Nha Trang) đã “chấp hành nghiêm” nộp phạt 750.000 đồng.
Có vẻ như nhà hàng này cũng biết lỗi của mình khi đã “chấp hành nghiêm” nộp phạt 750.000 đồng. Một con số chả đủ gãi ngứa như thế thì sao không nghiêm. Chỉ một “phi vụ” nhà hàng “chặt chém” như đoàn khách hôm mùng 7 Tết là dư để nộp phạt cả năm rồi ấy chứ. Thế tội gì mà không tiếp tục thực hiện những “phi vụ khác” trong khi tiền nộp phạt có thể chồng ra trước cả năm. Cách nộp phạt kiểu cho có như thế này thì tội gì nhà hàng Tháp Bà Làng Chài hay những nhà hàng khác không nhìn đó mà tiếp tục thực hiện những “phi vụ” chặt chém. Vài ba cái đồng bạc nộp phạt bõ bèn gì so cái hóa đơn toàn món ăn bình dân mà đến trên 16 triệu.
Không phải đến những ngày Tết vừa qua mới rộ lên câu chuyện “chặt chém” của một số nhà hàng ở Nha Trang mà từ vài năm nay, tình trạng trên đã xuất hiện. Trước đó, là những đôi giày được đánh xi với giá... 450.000 đồng, là những cuốc taxi 500.000 đồng cho quãng đường... 2km. Hay chuyện con cua 4 lạng nhưng thực khách phải trả tiền 1,2 kg vì “dây cột càng cua” nặng 8 lạng, đến đĩa cơm rang lên đến 200.000 đồng rồi 2 đĩa bánh căn giá 250.000 đồng... tất cả đều được “xử lý nghiêm” và cũng “chấp hành nghiêm” như vụ mới đây đấy.
Nhưng tình trạng “chặt chém” vẫn không chấm dứt mà có dấu hiệu ngày càng nhiều nhất là vào mùa du lịch. Đó là chưa kể những quán chưa đến mức “chặt chém” mà giá vẫn “trên trời” nhưng du khách đi du lịch muốn được thoải mái, vui vẻ chứ không muốn thêm phiền hà nên đành tỏ ra hào phóng mà rút hầu bao. Vậy nguyên nhân nào khiến cho nạn “chặt chém” vẫn cứ trường kỳ đến vậy?
Tôi còn nhớ phát ngôn của Bộ trưởng bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh vào năm 2013 (nhấn mạnh từ năm 2013) khi nạn chặt chém được chất vấn trước Quốc hội: Nguyên nhân là vì “việc phối hợp liên ngành chưa tốt, việc kiểm tra giám sát những điểm có nguy cơ chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp...”.
Từ năm 2013, chính Bộ trưởng cũng thừa nhận nạn “chặt chém” do việc kiểm tra giám sát chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp. Vậy mà, trong 6 năm qua, mức xử phạt đến nay vẫn là 750.000 đồng. Xử phạt kiểu cho có như thế thì nhà hàng “chặt chém” nào chả “chấp hành nghiêm” vì lợi nhuận thu về được là một con số “khủng”. Tội gì mà không chém nữa, chém mãi.
Theo tôi, đã đến lúc cần phải xem, sửa lại luật, phạt gấp hàng trăm lần số tiền mà người chủ nhà hàng thu sai của khách hàng khi đó thử coi ai mà dám “chặt chém” nữa. Chứ cứ kiểu phạt cho có như giờ không đủ sức răn đe. Không những xử phạt hành chính, theo tôi nên bổ sung việc cấm kinh doanh với các nhà hàng “chặt chém” khách.
Và phải chăng đã đến lúc cần có một lực lượng chức năng giám sát, kiểm tra khu du lịch để nạn “chặt chém” không còn cơ hội nảy nở và ít nhất dẹp đi được một nguyên do của tình trạng du khách “một đi không trở lại”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Phong Linh