Xử phạt 'người một nơi, khẩu một nẻo': Khó khả thi

Xử phạt 'người một nơi, khẩu một nẻo': Khó khả thi

Thứ 4, 14/08/2013 14:34

Bên cạnh một số dự thảo luật mà tính khả thi... trên trời là những dự thảo luật chỉ "phạt đằng ngọn" khiến không ít người dân bức xúc. Đó là những quy định trong Điều 9 dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính: "Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với hành vi cho người khác nhập khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi, hoặc cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở nhưng thực tế không cư trú tại chỗ ở đó".

Phạt nặng hành vi cho nhập khẩu để trục lợi

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình vừa được bộ Công an công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Dự thảo xuất phát từ việc không ít gia đình cho người khác nhập khẩu khống vào hộ khẩu nhà mình, nhằm trục lợi cá nhân. Điển hình như vụ việc giữa năm 2012, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bến Tre đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Quang Vinh và Trần Minh Nhựt (nguyên Phó trưởng công an và công an viên xã Giao Long, H.Châu Thành) về hành vi nhận hối lộ; bắt giam Trần Thị Hồng Phi (ngụ Q.3, TP.HCM) về hành vi đưa hối lộ.

Trước đó, theo điều tra ban đầu, Vinh và Nhựt đã nhận 3.900 USD của Phi để hợp thức hóa hộ khẩu cho 37 Việt kiều ở Mỹ, Đức... vào 31 hộ tại xã Giao Long, trong đó có cả hộ của Vinh và Nhựt. Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện không một Việt kiều nào trong số đó về sinh sống tại xã. Nhiều người dân cũng không hay bị ghép hộ khẩu Việt kiều vào hộ mình. Mục đích của việc nhập hộ khẩu này nhằm giúp các Việt kiều né thuế khi mua ô tô về nước, cùng nhiều mặt hàng ngoại nhập khác.

Luật sư - Xử phạt 'người một nơi, khẩu một nẻo': Khó khả thi

Người dân đi đăng ký hộ khẩu tại công an TP.HCM (hình intrenet)

Tuy nhiên, dự thảo luật trên đã không quy định rõ ràng đối với từng trường hợp cụ thể, mà chỉ quy định mang tính chung chung. Trong khi ở Việt Nam, nhất là những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội..., có không ít gia đình hộ khẩu một nơi, nhưng người lại sống một nẻo vì muôn ngàn lý do khác nhau, khiến nhiều người cảm thấy bất bình.

Chị Trần Thu Lan (38 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bức xúc: "Nếu căn cứ vào dự thảo luật này thì chắc chắn cha mẹ tôi sẽ bị phạt tiền. Bởi tôi có hộ khẩu chung với gia đình từ thời còn nhỏ. Đến khi lấy chồng thì chồng tôi cũng nhập khẩu vào đó, nhưng hai vợ chồng thuê nhà ở riêng cho tiện sinh hoạt. Khi sinh con, con tôi cũng nhập khẩu chung theo mẹ vào gia đình cha mẹ tôi. Thành ra, cả gia đình tôi vẫn có tên trong hộ khẩu của gia đình, nhưng thực tế chúng tôi đâu có cư trú tại ngôi nhà cha mẹ tôi đang sinh sống".

Ông Nguyễn Hoàng Quân (58 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì cho rằng: "Rõ ràng cơ quan hộ tịch không xác minh được người nhập hộ khẩu; hoặc biết nhưng cố tình làm sai trong quá trình nhập khẩu. Sai ở đây là sai từ gốc, chứ không thể ra nghị định phạt người đồng ý cho nhập hộ khẩu vào nhà mình. Đúng ra phải phạt những người làm công tác nhập tịch làm sai, không kiểm tra, quản lý nổi. Hơn nữa, không ai có quyền cấm công dân cư trú ở bất cứ đâu trên đất nước. Điều này được quy định rõ ràng trong Hiến pháp. Nếu họ cư trú mà phạm tội thì luật pháp trừng phạt họ. Sao lại đi trừng phạt hành vi cư trú?. Từ  trước đến nay, không thiếu những dự thảo luật kỳ cục như thế này, chỉ "phạt đằng ngọn"… là không ổn".

Quy định thiếu tính khả thi?

Nên căn cứ vào thực tế để ra quy định

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Mai Ngân (công ty luật Hoàng Nguyễn) cho biết: "Theo tôi, dự thảo này chỉ nhắm vào những đối tượng có hành vi nhập khẩu khống để trục lợi bất chính. Đồng thời cũng nhằm hạn chế tình trạng người dân nhập khẩu ồ ạt vào các thành phố lớn, thông qua những gia đình đã có hộ khẩu thành phố bằng cách chi ra một khoản tiền nào đó. Tuy nhiên, dự thảo này mới chỉ quy định chung chung và chỉ “xử phạt đằng ngọn”; trong khi người làm sai đầu tiên và có tính quyết định vấn đề nhập hộ khẩu không phải người dân, mà chính là các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền quản lý hộ tịch. Chúng ta nên xem xét, căn cứ vào thực tế tình hình mà đưa ra các quy định. Nếu hợp lòng dân, đúng đắn thì sẽ không có ai phàn nàn, kêu ca, hay phản đối gì…".

Tại TP.HCM, một thành phố lớn và sôi động nhất cả nước, vấn đề hộ khẩu và nhập khẩu mới cũng nan giải và rắc rối khi dân nhập cư ngày càng đông. Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho biết: "Trong các cuộc điều tra xã hội học mà tôi từng tham gia nhiều năm qua tại TP.HCM, chỉ tính riêng phần điều tra những hộ khẩu gốc, nghĩa là gia đình và bản thân các thành viên có hộ khẩu từ lâu cho thấy một thực tế, rất nhiều người chỉ có tên trong hộ khẩu, nhưng không cư trú tại gia đình đó. Cũng có một bộ phận không nhỏ các thành viên mới nhập khẩu trong vòng 1 - 2 năm trở lại (tính tới thời điểm điều tra), đa phần là con cháu, anh em họ hàng từ nơi khác chuyển về, hoặc từ quê lên thành phố học tập, lao động. Nhưng xét ra, những trường hợp này không thể xem là hành vi trục lợi, kể cả có trường hợp cho người khác nhập khẩu để lấy một khoản tiền. Tôi cho rằng cũng không thể xử lý, vì cả người nhập khẩu, người nhờ nhập khẩu đến người thứ ba chẳng có động cơ nào để tố cáo nhau".

Việc nhập khẩu vào thành phố lớn như TP.HCM lâu nay vẫn được xem như... cà phê nhỏ giọt. Cách dễ nhất mà không ít người áp dụng đó là nhập khẩu vào một gia đình đã có hộ khẩu sẵn, sau đó một thời gian thì tách ra thành hộ khẩu riêng. Tuy nhiên, việc hộ khẩu một nơi, sống một nơi là quyền của mỗi người, không có lý gì bắt buộc họ phải sống tại nơi mình có hộ khẩu.

Một cán bộ (xin được giấu tên) của phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội CA TP.HCM nêu ý kiến: "Luật Cư trú cho phép công dân được cư trú hợp pháp trên đất nước, không bó hẹp nơi cư trú, nơi có hộ khẩu. Do đó, có người tuy có hộ khẩu ở quận 3, nhưng do điều kiện công việc, học hành, họ không ở thường xuyên tại nơi có địa chỉ cư trú cũng là điều hiển nhiên, bình thường. Đó là chưa kể một lượng lớn người lao động có hộ khẩu thường trú tại quê nhà, nhưng lên thành phố làm ăn sinh sống từ nhiều năm nay. Như vậy, chúng ta lấy mốc nào để định nghĩa là cư trú thực tế hay không?. Do đó, theo tôi quy định này là không khả thi".

Đề cập đến hành vi nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở, nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng, vị cán bộ này cho hay: Hiện nay, UBND TP.HCM đã có quy định diện tích sàn khi nhập hộ khẩu. Theo đó, phải đảm bảo diện tích sàn 5m2/nhân khẩu. Khi xét nhập khẩu, cán bộ hộ tịch phải xem xét giấy chủ quyền nhà của họ để tính toán việc này. Do đó, quy định này không khả thi, vì nếu "đầu vào" không có thì lấy gì để phạt. Nếu có xảy ra thì là do cán bộ cho phép nhập khẩu làm sai. Lúc đó phải xử phạt cán bộ theo quy định của ngành, chứ không phải phạt người cho nhập khẩu vào gia đình mình.

Hương Lam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.