Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, cơ quan này vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với tổng số tiền 200 triệu đồng.
Theo đó, Công ty cổ phần Cung ứng xuất khẩu lao động công thương Hà Nội bị xử phạt mức cao nhất trong các doanh nghiệp vi phạm với 112,5 triệu đồng.
Doanh nghiệp này bị phạt do không cập nhật thông tin người lao động do doanh nghiệp đưa đi lên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kể từ ngày người lao động xuất cảnh đến khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
Đồng thời, không cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định của pháp luật thông tin về danh sách nhân viên nghiệp vụ; chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc tại Nhật Bản khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; không thanh lý hợp đồng đối với 1 lao động theo quy định của pháp luật.
Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Tín Phát bị phạt 60 triệu đồng do đã chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc (thị thực E7) khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, hai doanh nghiệp trên còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động 18 tháng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tiến bộ Infinity Việt Nam bị xử phạt 27,5 triệu đồng do đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật; không tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở Nhật Ban đối với 1 lao động tham gia chương trình kỹ năng đặc định theo quy định của pháp luật. Công ty này chỉ bị phạt tiền, không phải chịu thêm hình phạt bổ sung.
Cùng với xử phạt các doanh nghiệp vi phạm nêu trên, cũng trong tháng 8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với Công ty cổ phần Da giày Việt Nam.
Đơn vị này bị thu hồi giấy phép do không bảo đảm điều kiện về ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử đáp ứng quy đinh tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thời gian qua, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn.
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 7 năm 2023 là 12.930 lao động (4.619 lao động nữ), xấp xỉ 0,82 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 7 năm 2022 là 15.349 lao động, trong đó có 5.607 lao động nữ), gồm các thị trường: Nhật Bản: 6.631 lao động (2.987 lao động nữ), Đài Loan: 5.418 lao động (1.539 lao động nữ), Hàn Quốc: 191 lao động nam, Trung Quốc: 122 lao động nam, Ba Lan: 109 lao động (18 lao động nữ), Hungari: 90 lao động (17 lao động nữ), Singapore: 73 lao động nam, Liên bang Nga: 39 lao động nữ, Malaysia: 12 lao động nam và các thị trường khác.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 lao động (29.712 lao động nữ) đạt 77,48% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái (07 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 46.578 lao động), trong đó thị trường: Nhật Bản: 41.139 lao động (17.774 lao động nữ), Đài Loan: 36.956 lao động (11.006 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.799 lao động (53 lao động nữ), Trung Quốc: 1.024 lao động nam (02 lao động nữ), Singapore: 800 lao động nam, Hungari: 802 lao động (369 lao động nữ), Romani: 537 lao động (70 lao động nữ) và các thị trường khác.
T.M