Trước đó, ngay khi báo chí phản ánh hiện tượng bùng phát của các cuộc gọi nháy máy câu cước, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Trung tâm VNCERT cũng được giao nhiệm vụ làm đầu mối giám sát, phát hiện các doanh nghiệp vi phạm để ra văn bản yêu cầu những doanh nghiệp này xử lý cắt hợp đồng đối với các đầu số nháy máy.
Nhiều đầu số lừa đảo đã bị thu hồi do hành vi nháy máy câu cước
Nháy máy câu cước là hiện tượng người dùng bị các số cố định nháy máy nhiều lần vào ĐTDĐ để tạo thành các cuộc gọi nhỡ, nhưng khi chủ thuê bao gọi lại thì bị chuyển hướng tới tổng đài tư vấn và bị trừ tiền trong tài khoản. Theo mic.gov.vn, đây không phải là lần đầu tiên các thuê bao di động gặp phải tình trạng nháy máy trừ tiền, nhưng với việc dùng đầu số cố định là mã vùng của cả một tỉnh, thành phố để lừa đảo thì chưa từng xảy ra.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ cũng lưu ý rằng, khi khách hàng gọi lại cho các đầu số gọi nhỡ, họ sẽ chỉ bị trừ tiền tương ứng với mức cước kết nối cuộc gọi thông thường (cố định, di động) chứ không bị trừ ngay 10.000-15.000 đồng/phút như nhiều ý kiến phản ánh. Tuy nhiên, nếu khách hàng gọi lại các cuộc gọi nhỡ từ điện thoại vệ tinh có dạng +881xxxxxxxx, +882xxxxxxxx... thì giá cước có thể đội lên tới 100.000 đến 150.000 đồng/phút.
Sau khi rộ lên hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3, tại thời điểm này, vấn nạn nháy máy câu cước đã giảm mạnh. Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn bị nháy máy kiểu này, người dùng nên liên hệ ngay với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT) bằng cách nhắn tin tới số 456, Thanh tra Bộ khuyến cáo. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần cảnh giác, không gọi lại những số điện thoại không rõ nguồn gốc hoặc các đầu số có dạng +881, +882 để tránh mất tiền oan.
Theo Vietnamnet