Sáng 26/6, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án kinh tế liên quan đến vụ hàng chục cán bộ hải quan móc nối với doanh nghiệp, khai khống tờ khai hải quan để hoàn thuế VAT hòng chiếm đoạt tiền. Nhóm này bị cơ quan tố tụng TP.HCM truy tố với tội danh Buôn lậu, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Lê Dũng – nguyên Giám đốc công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (Infoodco, công ty có vốn Nhà nước) và 5 thuộc cấp bị cáo buộc móc nối với hàng chục công chức hải quan ở An Giang và TP.HCM để lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền VAT.
Trong đó, Trần Thị Bích Tuyền (Giám đốc công ty TNHH Lam Tuyền và TNHH Đại Đắc Tài) là một trong những mắt xích quan trọng. Tuyền lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Nhà nước ra nước ngoài và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp đã cùng với Lâm Tuấn Phát (Giám đốc công ty cổ phần Cảnh Phong) lập hồ sơ khống xuất khẩu hàng sang Campuchia rồi sử dụng làm hồ sơ xin hoàn thuế VAT. Sau đó, Tuyền tiếp tục hợp tác làm ăn với Lê Dũng.
Từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2013, Lê Dũng ký 145 hợp đồng ngoại thương khống với nội dung bán thuốc lá và các mặt hàng thực phẩm khác cho Tuyền thông qua pháp nhân của 2 công ty do Tuyền quen biết ở Campuchia. Tổng giá trị các hợp đồng là 1.375 tỷ đồng, thuế VAT là hơn 134,5 tỷ đồng. Sau khi có hồ sơ khống, Dũng, Tuyền cùng đồng phạm đã lập hồ sơ xin hoàn thuế 80,3 tỷ đồng rồi bỏ túi số tiền trên.
Khi 2 container trên bị bắt giữ, Hứa Châu (nguyên giám đốc công ty Lâm Kim Ngọc) đã cung cấp hơn 2.000 thùng thuốc lá đóng vào trong 2 container vận chuyển lên Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 để đánh tráo 2 container gạo nhưng bị phát hiện.
Cơ quan chức năng sau đó tiếp tục mở rộng điều tra thì phát hiện thêm hàng loạt sai phạm của Tuyền và đồng phạm. Tổng số tiền mà nhóm trên chiếm đoạt là gần 150 tỷ đồng.
Vào ngày 8/6/2016, vụ án trên đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày do còn nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ nên phiên tòa tạm hoãn, trả hồ sơ để triều tra lại. Đến ngày 12/10/2016, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM sau khi điều tra bổ sung đã tách 3 người là Lê Hà (cán bộ hải quan Sài Gòn), Trịnh Trần Thùy Trang, Nguyễn Thanh Long (cán bộ công chức hải quan An Giang) để điều tra vụ án khác và vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố với 40 bị cáo còn lại. Trong quá trình xử sơ thẩm, đại diện luật sư bào chữa cho các công chức hải quan đưa ra nhiều bằng chứng về việc điều tra viên (ĐTV) “mớm cung, ép cung” các bị cáo. Cụ thể, 223 bản cung có dấu hiệu sai phạm tố tụng như việc ĐTV, kiểm sát viên (KSV) có tên nhưng không ký bản cung, có 37 bản cung có tên ĐTV Đinh Văn Toàn nhưng không có ký tên, 9 bản cung có tên KSV Đoàn Thanh Khiết nhưng không có ký tên, 12 bản cung có tên ĐTV Lê Trung Luân nhưng không có ký tên và 22 bản cung có tên các ĐTV khác, không thấy các ĐTV này ký tên, ĐTV đã chép, dán từ bản cung của bị cán này sang bản cung của bị can khác. Thậm chí, trong vòng 30 phút, ĐTV có thể lấy hai tờ khai của bị cáo tại An Giang và TP.HCM. |
Phùng Sơn